“Hãy để ba mẹ là người đồng hành cùng mỗi bước trưởng thành của con.”
Quá trình học phân loại giúp bé phát triển khả năng tư duy logic rất hiệu quả – đây là một trong những cách học giúp bé xây dựng biểu đồ cây tri thức. Bé biết cách hệ thống, phân loại thì khả năng tự học, quan sát, nhận định vấn đề sẽ tốt hơn rất nhiều.
Việc nắm cách thức để phân loại còn là bước khởi đầu để bé có thể học tốt môn toán học về nhóm, tổ hợp – là cơ sở giúp bé hình thành thói quen gọn gàng, ngăn nắp.
1. Phân loại theo một tiêu chí cụ thể
* Trước tiên hãy giúp bé học cách phân loại bằng cách hướng dẫn bé để đồ vào đúng vị trí: đồ chơi phải cất gọn vào rổ, giày để trên kệ giày, chén úp lên kệ chén, tờ báo để vào ngăn tủ riêng…. Bạn có thể nhờ bé làm “Bác quản gia” trong nhà để “bác ấy” nhắc nhở các thành viên khác phải để đồ đúng vị trí. Được làm người lớn, được “khiển trách” cả ba mẹ thì chắc chắn bé rất thích và bài học về việc phân loại theo vị trí cũng đơn giản hơn rất nhiều.
* Tiếp theo bé sẽ học cách phân loại đồ vật theo hình dạng, màu sắc: Rất nhiều bé không định dạng được hình dạng của đồ vật vì các bé thường có khuynh hướng bị phân tán sự chú ý bởi những dạng hình trang trí nhỏ. Nếu ba mẹ giúp bé có cái nhìn tổng quát về hình dáng chủ chốt của đồ vật chắc chắn các bé sẽ nắm vững hơn không chỉ về việc phân loại mà còn cả về hình học.
* Phân loại đồ vật theo tính năng: Dao và thớt thì dùng khi thái; Chén, đũa, thìa dùng khi ăn cơm; Thau, xô, ca múc nước dùng khi giặt giũ, lau nhà… Bé có thể tự học về tính năng của đồ vật thông qua việc quan sát ba mẹ làm việc hàng ngày nhưng nếu bạn hướng dẫn và cùng chơi với bé thì khả năng tư duy, quan sát của bé cũng sẽ nhạy bén hơn rất nhiều.
* Phân loại đồ vật theo chất liệu: Dao, thìa, nĩa được làm từ inox; Đũa, ghế, bàn được làm từ gỗ; Thảm lau chân, rèm cửa được làm từ vải… Những từ chỉ về chất liệu bé không thể tự quan sát mà đòi hỏi cần phải có sự hướng dẫn của ba mẹ. Nếu được hướng dẫn cách phân loại theo chất liệu thường xuyên, trí não bé sẽ được kích thích khi tiếp cận với 1 chất liệu mới, giúp bé muốn khám phá, tìm hiểu thêm.
2. Mở rộng: Phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau
Ba mẹ cùng bé chơi trò phân nhóm cho những sợi nui có hình dạng khác nhau, màu sắc khác nhau, số lượng khác nhau. Hãy để bé tự tìm cách phân chia nhóm theo nhiều cách. Ba mẹ sẽ gợi ý trong trường hợp bé còn sót cách thức nào đó.
Việc phân loại theo nhiều tiêu chí đòi hỏi bé phải quan sát thật kĩ, sắp xếp và định hình các tiêu chí một cách chính xác. Đây được xem là bài tập mang tính tổng hợp về khả năng phân loại. Nếu bé làm tốt bước này và có thể phân loại theo toàn bộ các tiêu chí thì ba mẹ có thể yên tâm rằng khi học các cấp lớp lớn hơn bé có thể phát huy khả năng lĩnh hội tri thức một cách tối đa.
Song song với quá trình giúp bé học cách phân loại, ba mẹ hãy cung cấp cho bé các danh từ chỉ tập hợp: dụng cụ nhà bếp, dụng cụ học tập, đồ trang trí, đồ trang điểm, đồ dùng sữa chữa, hình tròn, hình vuông, màu xanh, vàng…. Những danh từ này rất cần thiết để bé có thể khái quát các đặc tính chung của đồ vật. Một khi bé đã nắm được các từ này ba mẹ hãy yêu cầu bé kể ra những vật dụng thuộc một nhóm nào đó hoặc ba mẹ đưa ra một số đồ vật và yêu cầu bé nói đặc điểm chung của các đồ vật đó. Đây là những bước quan trọng để biến trực quan sinh động thành tư duy trừu tượng cho bé.
Chúc cả gia đình có những giờ học phân loại thật thú vị.