1. Bắt đầu cuộc trò chuyện một cách thoải mái
Bước đầu tiên để bắt đầu cuộc trò chuyện với bé là nghĩ về những câu hỏi mà bạn sẽ hỏi vì chắc chắn sẽ có rất nhiều vấn đề mà bé không muốn đề cập tới (ví dụ như trẻ em thường không muốn kể cho cha mẹ nghe về bài tập bị điểm thấp ở trường). Hơn nữa, những dạng câu hỏi quá rộng như “Trường học của con thế nào?” thường dẫn đến các câu trả lời cụt ngủn chỉ có một đến hai từ và bạn sẽ chẳng có thêm thông tin gì. Thay vào đó, hãy đặt các câu hỏi cụ thể về các hoạt động trong ngày, ví dụ “Hôm nay lớp con chơi bóng thế nào?”, “Trưa nay con ăn gì? Với các câu hỏi , bé thường trả lời cụ thể và chi tiết hơn.
Với những bé lần đầu tiên đến trường hoặc vào những ngày đầu năm học mới, cha mẹ có thể đặt những câu hỏi:
- Lớp học trông như thế nào? Con hay ngồi ở đâu?
- Con chơi thân với bạn nào trong lớp? Trong lớp con còn những ai nữa?
- Hoạt động con thích nhất ở trường là gì? Tại sao?
- Trưa nay các cô cho con ăn gì?
Ngoài ra, các chuyên gia giáo dục cũng khuyên bậc cha mẹ nên dành ra vài phút mỗi ngày để tăng tính gắn kết trong gia đình. Khi cha mẹ thân thiết với con cái, bé sẽ không ngần ngại mà tự động kể cho bạn nghe về chuyện trường lớp của mình. Hãy cho bé biết rằng cha mẹ rất vui khi được trò chuyện với bé ở nhà và tránh các vấn đề nghiêm trọng như điểm số, như vậy, bạn có thể khuyến khích bé nói nhiều hơn.
Tiếp theo, bạn cũng cần nhớ rằng thời điểm trò chuyện là rất quan trọng. Cha mẹ nên tránh hỏi chuyện khi bé vừa về tới nhà vì bé có thể cũng rất mệt mỏi hoặc đang cần một quãng thời gian yên tĩnh để nghỉ ngơi. Thời gian hoàn hảo để bắt đầu trò chuyện với bé là vào giờ chơi tối hoặc sau bữa cơm gia đình.
Nếu bé không phải một đứa trẻ thích nói nhiều, bạn vẫn có thể biết tình hình bé ở trường qua những công cụ hỗ trợ khác như: đọc bản tin trường, gửi email đến các giáo viên và nói chuyện với những phụ huynh khác. Một khi đã quen thuộc với thói quen ở trường của bé, cha mẹ có thể hỏi những câu hỏi cụ thể hơn.
2. Hãy nói về các vấn đề bé gặp ở trường
Bạn nên làm gì khi con gái bạn nói rằng bé không thích đi học? Hoặc khi con trai bạn nói cho bạn biết bé không thích các bạn khác trong lớp? Những câu trả lời của bé có thể cho cha mẹ thấy rõ những vấn đề về học tập hoặc vấn đề về xã hội mà bé gặp phải ở trường. Và để có thể giải quyết các vấn đề này, phụ huynh cần kiên nhẫn và tìm hiểu kĩ lưỡng.
Ví dụ, nếu con của bạn nói bé không thích đi học hoặc không muốn đến trường, có thể bé thấy chán khi đi học, hoặc bé không hiểu những bài học mới hay bị ép học quá nhiều. Còn nếu bé nói rằng bé không thích các bạn trong lớp, có thể bé cảm thấy mình bị các bạn lờ đi, hoặc cũng có thể bé bị các bạn bắt nạt. Chính vì vậy, cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện và hướng dẫn bé các bước để giải quyết tình hình.
3. Các lưu ý khi trò chuyện với trẻ nhỏ
Trẻ mẫu giáo thường dễ buồn vì những vấn đề mà người lớn cho là nhỏ nhặt như tranh đồ chơi với bạn hay bị cô giáo mắng. Nhưng để phát triển toàn diện, bé cần học cách tự giải quyết những vấn đề này dưới sự định hướng của cha mẹ. Thường xuyên trò chuyện với trẻ chính là một trong những phương pháp hữu hiệu giúp bạn thực hiện quá trình này.
Với những bé nhỏ tuổi, đặc biệt là trẻ từ 2 đến 9 tuổi, cha mẹ có thể giúp bé giải quyết vấn đề bằng cách đề ra giải pháp, đồng thời minh họa cho bé những kết quả mà giải pháp đó có thể mang lại. Ví dụ “Con đến nói chuyện với bạn thì bạn sẽ thích chơi với con lắm!” hoặc “Nếu không hiểu con giơ tay hỏi cô, cô sẽ giảng lại cho con”. Bằng cách này, bạn có thể vừa giúp bé tự tin hơn, vừa luyện cho bé thói quen đưa ra các lựa chọn khả thi nhất.