Giáo sư Đặng Hanh Đệ, 87 tuổi đã từng bị bệnh nặng 'thập tử nhất sinh' vào năm 2014 nhưng hiện tại sức khoẻ của ông rất tốt. Bí quyết để cho ông sống lâu không phiền não chính là giữ một tinh thần lạc quan, không sân si.
Vui với niềm vui của bệnh nhân
Ở tuổi 87, hiếm ai có được sự nhanh nhẹn, minh mẫn như GS Đặng Hanh Đệ (nguyên trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh Viện Hữu Nghị Việt Đức), người được ví là "bàn tay vàng" trong phẫu thuật tim mạch. Ông vẫn đọc sách báo hàng ngày, ngồi máy tính viết sách mà không hề biết mệt. Thậm chí, ông vẫn dọn nhà, rửa bát như là nhiệm vụ hàng ngày cần phải làm. "Vợ mà nấu cơm thì tôi rửa bát, công việc này đã là thông lệ rồi", GS Đệ cười nói.
Nhìn sự minh mẫn, khoẻ mạnh của ông ít ai biết được cách đây 8 năm GS Đệ từng bị xuất huyết não nguy kịch tưởng như không thể qua khỏi.
Khi hỏi về bí quyết vì sao có một sức khoẻ dẻo dai và bền bỉ như vậy, GS Đệ cười lớn nói: "Trời cho, chứ tôi không có bí quyết gì đâu". Nhưng tôi biết rằng câu nói đó của ông là sự khiêm tốn của một bác sĩ 47 năm gắn bó với ngành y.
Ông cười và nói với tôi, để sống khoẻ ông chọn cho mình cách sống 2 không: Không sân si địa vị chức tước - Không quá đề cao tiền bạc.
Ông luôn bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình. "Cả đời tôi chỉ là anh phẫu thuật viên đi mổ. Tôi vui với cái vui của bệnh nhân khỏi bệnh và được ra viện. Cả đời tôi đi làm không biết tới chuyện 'kèn cựa' ai", GS Đệ nói.
Giờ khi đã về hưu, GS Đệ cũng luôn chăm lo tới đời sống tinh thần của 2 vợ chồng. Ông vẫn thường nói: "Con cái đều ở xa, hai thân già nương tựa nhau sống. Dù con cái ở xa nhưng gia đình vẫn hàng ngày gọi video cho nhau để cập nhật tình hình. Nhờ công nghệ thì khoảng cách nửa vòng trái đất cũng được thu hẹp. Cả gia đình vẫn nghe thấy giọng nói, nhìn thấy mặt nhau rất vui".
Trong cuộc sống hàng ngày, GS Đệ luôn giữ không khí trong gia đình hoà thuận. Hai vợ chồng ông sống với nhau hơn 60 năm, nhưng chưa bao giờ to tiếng với nhau một lần.
Không đề cao đồng tiền
2 vợ chồng GS Đệ không quá đề cao đồng tiền. Bà Lê Lan Phương (82 tuổi, nguyên bác sĩ gây mê, Bệnh viện Việt Đức - vợ GS Đệ) tâm sự: "Tiền thì ai cũng cần, nhưng gia đình tôi không đặt đồng tiền là thứ cao nhất. Có tiền nhiều thì ai cũng thích, nhưng không có tiền vợ chồng tôi cũng không cảm thấy buồn, ghen tỵ với ai".
GS Đệ tiếp lời vợ: "Từ lúc đi làm tới khi về hưu, tôi không biết lương mình được bao nhiêu vì lĩnh về là đưa vợ, thậm chí vợ tôi lĩnh luôn. Tôi vẫn nói đùa với mọi người mình là 'cán bộ giao thông vận tải', nhận tiền rồi chuyển về cho vợ. Thành thử ra tôi không biết lương mình được nhiều hay ít. Tôi cũng chẳng làm 'quỹ đen, quỹ đỏ'. Chắc vì lẽ đó nên tôi cũng thảnh thơi hơn người khác".
Theo GS Đệ, chính đời sống tinh thần thảnh thơi, không quá sân si giúp cho sức khoẻ tổng thể khoẻ lên. Một người về hưu cứ ủ rũ suy nghĩ người nọ người kia hơn mình thì cuộc sống cũng buồn chán. Hàng ngày GS Đệ vẫn 'lướt' mạng xã hội để chia sẻ thông tin, những khoảnh khắc vui vẻ với bạn bè.
Ăn ít thịt nhiều rau
GS Đệ tâm sự ở tuổi 87, các bạn cùng lớp của ông đã 'ra đi' quá nửa, người còn sống thì rất nhiều người phải ngồi xe lăn. Bình thường vào tháng 11 hàng năm, lớp ông vẫn gặp mặt nhưng năm nay chắc khó vì không còn nhiều. Ông vẫn luôn cho rằng 'trộm vía' được trời thương nên sức khoẻ vẫn tốt và minh mẫn.
Nhưng để có được một sức khoẻ tốt, ngoài vun đắp cho sức khoẻ tinh thần, ông cũng rất coi trọng việc ăn uống. Nguyên tắc ăn uống của ông rất đơn giản: 3 bữa ăn chính (sáng, trưa, tối) vợ nấu gì thì ăn cái đó.
"Tôi không thích ăn thịt, mỗi bữa chỉ ăn 2-3 miếng thịt. Vợ tôi vẫn luôn nói 'sao anh ăn ít thịt vậy?', nhưng tôi thấy ăn vậy là đủ. Bữa ăn của tôi chắc chắn không thể thiếu rau xanh và phải là rau luộc. Khi có rau luộc thì phải có vài miếng cà pháo.
Ngày trước tôi thường tự đi chợ chọn mua cà về muối. Giờ không đi chợ được thường xuyên thì tôi mua củ cải phơi khô về ngâm mắm. Giờ nước rau muống luộc và củ cải ngâm mắm không thể thiếu được trong bữa cơm của tôi", GS Đệ nói.
Bà Lan Phương cho biết thêm, gia đình bà ăn uống rất điều độ và cố gắng ăn đúng giờ. Cả khi đi làm cho tới hiện tại, 2 vợ chồng bà luôn cố gắng ăn sáng trong khoảng từ 6-7 giờ, ăn trưa từ 11h30-12 giờ, vào buổi tối sẽ ăn nhẹ trước 7 giờ. Gia đình GS Đệ gần như đều nấu ăn tại nhà 3 bữa, số lần đi ăn hàng là rất ít.
Sau khi ăn sáng xong, GS Đệ sẽ đạp xe khoảng 30 phút (loại xe đạp tập thể dục trong nhà).
Bài tập giữ sức khoẻ
Theo GS Đệ, 2 vợ chồng ông luôn tập bài tập với các động tác tay, chân, mặt sau khi ngủ dậy và trước khi xuống giường (thời gian 30 phút). Do người có tuổi nếu ngồi dậy đột ngột sau khi thức giấc sẽ dễ gây ra thiếu máu não, gây choáng váng, ngã. Vì vậy, việc tập các bài tập này sẽ giúp tuần hoàn máu tốt hơn.
Bài tập được GS Đệ hướng dẫn cụ thể như sau: Dùng 10 đầu ngón tay vuốt từ trán ra sau 30 cái; vuốt mặt 30 cái; vuốt tai 30 cái; kéo các ngón tay mỗi bên 30 cái, vuốt chân mỗi bên 30 cái; co duỗi chân 30 cái.
"Thường tôi tỉnh dậy vào lúc 5 giờ, tập luyện 30 phút sẽ xuống khỏi giường và làm vệ sinh cá nhân", GS Đệ cho biết.
Con ở xa nhưng mọi công việc nhà 2 vợ chồng GS Đệ vẫn luôn tự làm, không thuê giúp việc. GS Đệ chia sẻ: "Hai vợ chồng vẫn còn sức khoẻ cho nên muốn tự làm để vận động, nếu lười cơ thể sẽ yếu".
Ngoài chú trọng việc tập luyện, vợ chồng GS Đệ còn rất chú trọng tới giấc ngủ. Bà Phương tâm sự: "Vợ chồng tôi thường lên giường ngủ vào lúc 20 giờ và thức dậy vào lúc 5 giờ sáng hôm sau. Đối với người lớn tuổi, thời gian từ 21 giờ tới 1 giờ sáng là giấc ngủ thường sâu nhất. Trong một ngày nên đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng".