1. Cha mẹ sống lành mạnh và tự cân bằng chính mình
Khi làm cha mẹ, bạn phải biết tự chăm sóc bản thân, sống lành mạnh và biết
tự cân bằng chính mình; bởi vì khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi và không có năng lượng, chúng ta sẽ gặp khó khăn hơn nhiều khi đối phó với những vấn đề của các con. Cảm giác mệt mỏi, stress, trạng thái mất cân bằng khiến người lớn luôn muốn “bùng cháy”, luôn muốn la hét và trừng phạt để giải quyết vấn đề của con cái.
Vì vậy, muốn chăm sóc tốt cho cuộc sống của chính gia đình mình, con cái mình; cha mẹ trước hết phải biết tự chăm sóc bản thân bằng cách thiền, yoga, tập thể dục hoặc bất cứ hoạt động nào khác mà bạn cảm thấy thích hợp nhất.
2. Tạo nên ranh giới của riêng mình
Nếu các con vượt qua ranh giới chịu đựng của cha mẹ quá xa, hoặc quá thường xuyên, đó là vì chúng ta thường xuyên cho phép các con làm điều đó; nhưng cuối cùng, người mất kiên nhẫn chính là cha mẹ, và khi không thể kìm chế, cha mẹ thường nổi trận lôi đình và
mắng mỏ, thậm chí trừng phạt con cái. Tuy nhiên, cha mẹ phải hiểu rằng, việc trang bị một cơ thể khỏe mạnh, tinh thần thoải mái là việc của người lớn chứ không liêu quan gì đến bọn trẻ cả. Nếu đã yêu con, thì chúng ta phải nhẹ nhàng với con bất cứ lúc nào. Yêu con nghĩa là cha mẹ phải ngăn chặn cơn giận giữ của chính mình, không “giận cá chém thớt”. Để làm được điều đó, chính cha mẹ phải vạch ra ranh giới chịu đựng của chính mình và tôn trọng ranh giới đó, đừng để quá sức kẻo chính con cái lại trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình và cha mẹ phải hối hận vì nóng nảy với con.
3. Cho con sống đúng với lứa tuổi của chúng, đừng kỳ vọng
Khi đưa con đến những nơi công cộng, cha mẹ không thể mong đợi các con cư xử như những người lớn. Bọn trẻ không thể và không chịu ngồi yên một chỗ như người trưởng thành. Do đó, một khi cha mẹ muốn đưa con ra ngoài chơi, hãy nhớ rằng chúng được phép tự do trong khuôn khổ. Cha mẹ phải cam kết cố gắng hết sức có thể để con cái không cảm thấy xấu hổ, bị xúc phạm hay có tội về phản ứng bình thường của chúng. Ví dụ, chúng có thể chạy lăng quăng, sờ vào thứ này thứ kia, ăn uống vương vãi, nói to và đùa giỡn như ở nhà… đó là những biểu hiện bình thường của những đứa trẻ chưa biết kìm chế cảm xúc. Một khi cha mẹ buông bỏ những kỳ vọng không thực tế, cha mẹ sẽ cho phép con cái mình tự do để trải nghiệm cuộc sống, trải nghiệm chính mình và chính người lớn chúng ta cũng dễ cảm thông với các bậc cha mẹ khác khi có con đi cùng.
4. Đừng cho trẻ thấy bạn lo ngại quá nhiều về chúng
Khi cha mẹ lo lắng về hành vi sai trái (tật xấu) của con em mình, con cái sẽ cảm nhận được mối lo này của cha mẹ. Điều đó làm cho trẻ dán nhãn tiêu cực lên chính hành vi của chúng, bé sẽ nghĩ: mình thật là nhút nhát, mình thật là tham ăn, mình thật là hỗn láo, mình thật là quậy phá… và thường sẽ dẫn trẻ đến những hành vi sai trái hơn. Thay vì chỉ trích con, cha mẹ hãy nói theo hướng tích cực và hướng mở: Con có thể làm được mà, con ăn đủ thì thôi nhé, con nói như thế là hỗn đấy, con có thể hiếu động nhưng đừng gây hậu quả xấu…
5. Hãy chữa lành vết thương cũ của riêng bạn
Con cái có thể kích động cảm xúc tiêu cực còn tồn đọng trong cha mẹ, khiến chúng ta cảm thấy bị tổn thương và thất vọng. Đó có thể là những trải nghiệm thời thơ ấu (nói dối, táy máy, hỗn…), hoặc chính những khó khăn hiện tại trong cuộc sống của cha mẹ (buồn, stress, thất vọng…). Bạn chắc chắn không muốn con mình có những “vết sẹo” tâm lý từ ngày bé như chính mình, đúng không? Nếu vậy, hãy giữ những tổn thương cho riêng mình, đừng áp đặt vào con hay đừng đưa con ra làm bia đỡ đạn hoặc sửa chữa sai lầm cũ của mình bằng cách dạy dỗ lỗi lầm của con. Hãy thừa nhận và chấp nhận cảm xúc từ quá khứ, đừng dựa vào đó để phán xét con. Hãy dạy con bằng thái độ công bằng và
tình yêu thương, đó chính là điều chúng cần - và ngày xưa bạn cũng cần phải không?
6. Tạo một “mỏ neo”
Trong một khoảnh khắc bạn cảm thấy mình mất bình tĩnh và mất trạng thái cân bằng, hãy chọn một kích thích vật lý như bấm chặt nắm tay, cầm nắm vật gì đó, tìm một góc riêng yên tĩnh... Đó sẽ là những “mỏ neo”, giữ cho bạn cảm xúc bình tĩnh, níu giữ cơn giận giữ sắp sửa “bùng nổ”. Sử dụng “mỏ neo cảm xúc” này khi bạn cảm thấy khó chịu hoặc khi các con vi phạm lỗi lầm sẽ giúp bạn kích hoạt những cảm xúc bình tĩnh và cân bằng để giải quyết vấn đề một cách sáng suốt.
7. Hãy dành thời gian chất lượng bên con
Tạo sự chú ý là một nhu cầu cơ bản của trẻ em để chúng thấy mình đang tồn tại. Khi các con làm một hành động gì gây chú ý, đó thường là một dấu hiệu của sự mong muốn được cha mẹ biết rằng chúng đang cố gắng để thể hiện mình, phát triển cá tính của mình - và nhận được sự chú ý từ cha mẹ.
Đôi khi, sự thể hiện của các con còn mang ý nghĩa được cha mẹ quan tâm, dạy bảo. Chúng muốn cảm thấy an toàn khi cha mẹ góp ý, bảo ban, chỉ dạy. Hoặc chúng cần cha mẹ dành cho chúng một khoảng không gian yêu thương chất lượng, nơi chúng cảm thấy mình là quan trọng với cha mẹ. Nếu vậy, cha mẹ cần phải kiến tạo những khoảnh khắc chất lượng bên con mình: cha mẹ không bị phân tâm bởi bất cứ điều gì; hoàn toàn coi con cái là trung tâm, là vô cùng đặc biệt, là tình yêu, là cuộc sống của cha mẹ.
Bọn trẻ không cần cha mẹ có thể luôn luôn “chất lượng”, chúng chỉ cần khoảnh khắc bên nhau thật chất. Với chúng, đó là khoảng thời gian vô giá, chúng cảm nhận được tình yêu thương và sự chăm sóc của cha mẹ để sống tích cực hơn.
8. Dành thời gian cho con khám phá thế giới
Khi các con đã cảm thấy an toàn và được cha mẹ quan tâm chú ý và yêu thương, chúng sẽ nảy sinh nhu cầu được ra ngoài và khám phá thế giới. Khi được thăm dò thế giới xung quanh, con cái chúng ta sẽ được quan sát những điều mới ở môi trường xung quanh, sẽ nhận biết được cơ thể của mình và kích thích sự tò mò bẩm sinh, từ đó sẽ dẫn đường cho trẻ cải thiện khả năng tập trung, thể hiện sự sáng tạo và phát triển niềm vui, sự lạc quan.
Không gian vật lý, thời gian và khoảng cách vật lý mà con cái chúng ta có thể khám phá phụ thuộc vào độ tuổi và nhu cầu của các con và sự phát triển của bé. Trong khi các con tự do bay nhảy trong khoảng không gian đó, cha mẹ có thể ở bên cạnh nhưng không phải để can thiệp vào hoạt động của chúng mà chỉ nên dừng lại ở mức quan sát và chứng kiến sự trưởng thành của con mình.
9. Hãy chắc chắn rằng các con biết cha mẹ hiểu con đang như thế nào
Sẽ không là vấn đề nếu cha mẹ nói cho con biết cha mẹ hiểu tâm trạng của con thế nào khi bị cha mẹ cấm đoán/ không đồng ý làm gì đó. Các con có quyền có những cảm xúc như buồn, bực bội, thất vọng… nhưng điều quan trọng hơn là các con phải hiểu vì sao cha mẹ không muốn con làm việc ấy. Cha mẹ không nhất thiết phải chiều chuộng tất cả nhu cầu của con, nhưng cha mẹ vẫn có thể thừa nhận những gì chúng đang cảm thấy: “Mẹ biết là con đang rất buồn, con thực sự thích bức tường nhiều màu sắc này và con đang tức giận vì mẹ lấy bút chì của con không cho con vẽ lên tường đúng không?” , hoặc “Mẹ hiểu con muốn ăn sô cô la cả ngày. Mẹ cũng muốn thế, mẹ cũng rất thích kẹo sô cô la, nhưng bây giờ là giờ cơm và con cần ăn cơm với rau quả để cơ thể con khỏe mạnh”… Sau câu nói của mẹ, con cái vẫn có thể chống đối, nhưng cuối cùng chúng sẽ cảm thấy được mẹ hiểu rõ điều chúng đang trải qua. Điều đó giúp các con giảm cường độ của các cơn giận, hay buồn bã.
10. Dành thời gian để thích nghi với sự thay đổi
Thay đổi đột ngột có thể khiến bọn trẻ chống cự, đối phó, bất hợp tác; đặc biệt là với những đứa trẻ nhạy cảm Các con sẽ hợp tác với cha mẹ khi chúng ta cung cấp cho con thời gian để thích nghi với thay đổi sắp tới. Hãy báo với con “sắp đến giờ ngủ rồi”, hoặc “Con có thể chơi thêm 10 phút, và sau đó chúng ta đi ngủ”. Lặp lại câu nói này khi các con chỉ còn lại 5 phút, 1 phút… và đã đến giờ đi ngủ.
11. Tôn trọng con bạn như một người trưởng thành
Các con có thể sống trong những cơ thể nhỏ bé, nhưng chúng vẫn là những con người với các nhu cầu được tôn trọng, được đối xử công bằng. Dù là trẻ con, nhưng các con cũng có tâm hồn và sự hiểu biết. Vì vậy, cha mẹ hãy nói chuyện lễ phép, từ tốn, tử tế với con như thể mẹ đang nói chuyện với một người lớn. Hãy tôn trọng con, đừng áp đặt, đừng kẻ cả như bề trên.
12. Yêu cầu giúp đỡ
Đừng xấu hổ nếu bạn cảm thấy quá tải với cuộc sống, công việc và con cái. Hãy yêu cầu giúp đỡ. Hãy nói cho vợ/chồng sự khó khăn mà bạn đang gặp phải. Hãy tìm người giúp việc, vú em, hoặc tìm đến sự tư vấn từ chuyên gia hay những người mẹ khác mà bạn tin tưởng. Hãy đi tìm cách giải quyết vấn đề bạn gặp phải, đừng bao giờ chịu đựng một mình bởi vì một khi sự quá tải lên đến đỉnh điểm, bạn khó có thể giữ bình tĩnh để
làm cha mẹ tốt. Tìm kiếm sự giúp đỡ không phải là một dấu hiệu của sự yếu đuối: nó là một điều dũng cảm bạn có thể làm để cải thiện tình hình.