Đằng sau những câu “Con mẹ xinh quá”, “Con bố thông minh quá” là những áp lực mà không nhiều phụ huynh biết… Vậy khen con thế nào cho đúng?
Khi khen ngợi con trẻ, nên khen ngợi sự nỗ lực cố gắng chứ không nên khen sự thông minh hay xinh đẹp của chúng. Tại sao lại như vậy?
Bởi vì thông minh và xinh đẹp là yếu tố vốn có của một đứa trẻ (do gen di truyền) chứ không phải thông qua cố gắng mà đạt được. Chính lời khen đó sẽ ảnh hưởng tới việc hình thành tư chất của con trẻ sau này.
Khen con thế nào cho đúng?
Bởi vậy khi các bậc cha mẹ biểu dương con cái mình, đừng quên ba nguyên tắc lớn sau đây:
1. Khen một việc cụ thể con đạt được, không khen chung chung
“Em bé giỏi quá!” đây là một câu khen ngợi gần như là thói quen của rất nhiều bậc phụ huynh. Trong mắt của phụ huynh, dường như mỗi sự tiến bộ của con cái đều đáng được khen với câu “con thật giỏi!”
Thậm chí là em bé chỉ vừa mới biết đi, biết hát, biết nhảy… cha mẹ đều thuận miệng mà khen con như thế. Việc cha mẹ luôn thuận miệng khen con cái như thế, chính là họ đã không nhận thức được sự ảnh hưởng tiêu cực của những lời khen kiểu thế này. Dần dần, đứa bé lớn lên, tới một ngày nó sẽ phát hiện nó sợ những thất bại, dù chỉ là một thất bại nhỏ nhoi cũng không thể tự đứng lên được.
Thay vì luôn khen “con thật giỏi” mỗi lần con ăn xong bát cơm, thì cha mẹ nên nói: “Cảm ơn con, cảm ơn con đã giúp mẹ kết thúc bữa ăn thật sớm, mẹ rất vui”. Tập trung vào biểu dương con trẻ theo mục đích rõ ràng như thế sẽ khiến đứa trẻ càng nhanh hiểu chuyện hơn, và sau này nó sẽ dần ý thức được nó nên làm như thế nào với mỗi sự việc, nên nỗ lực ra sao.
2. Khen ngợi sự nỗ lực của con, không khen thông minh
“Con thật thông minh!” lại một câu cửa miệng của đa số phụ huynh hiện nay. Đối với mỗi sự tiến bộ của con trẻ, cha mẹ đều chắc chắn mà khẳng định nói với con “Con thật thông minh”. Rồi đứa trẻ sẽ cảm thấy, dường như mỗi kết quả đạt được tức là mình đã rất thông minh rồi.
Mặt khác, đứa trẻ sẽ ngày càng “tự mãn” hơn là “tự tin”. Rồi khi nó đối mặt với những sự việc hơi có tính thách thức thì liền lựa chọn lùi bước, vì không muốn thừa nhận sự mâu thuẫn với cái thông minh bấy lâu nay của bản thân.
Ở một trường nghiên cứu trẻ em của Mỹ, họ thực hiện khảo sát với những đứa trẻ từ 9-14 tuổi bằng cách cho những đứa trẻ này trả lời 8 câu hỏi, và chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 trả lời đúng cả 8 câu hỏi thì họ sẽ nói với những đứa bé là: “Các con thật thông minh!”. Một nhóm còn lại cũng trả lời đúng cả 8 câu hỏi, nhưng họ lại nói với những đứa bé: ” Các con làm bài rất tốt, các con đã rất nỗ lực.”
Sau đó tiếp tục vòng 2, họ cho những đứa trẻ tự mình lựa chọn 8 câu hỏi tiếp theo, kết quả chỉ ra có tới ⅔ trong số những đứa trẻ nhóm 1 lựa chọn gói câu hỏi dễ. Còn với nhóm 2, thì có tới 90% các em chọn gói câu hỏi trung – khó.
Khảo sát đã chỉ ra ảnh hưởng của những lời khen khoa trương quá đáng tới tư duy não bộ của trẻ. Phụ huynh cần để con trẻ nhận ra sự nỗ lực của chúng đối với mỗi việc cụ thể, thay vì lúc nào cũng khen con giỏi, con thông minh khiến đứa trẻ không phân biệt được rõ ràng như thế nào mới là thông minh thật sự.
3. Khen sự việc thực tế, không khen tính cách
“Đứa trẻ ngoan” là một lời khen điển hình của kiểu khen tính cách. Các bậc cha mẹ luôn lạm dụng lời khen này gần như là hằng ngày. Từ “ngoan” thật sự là một từ rất mông lung, và hàm chứa quá nhiều điều.
Khi một đứa trẻ cứ phải đội trên đầu một cái “mũ danh” lớn như thế, tức là nó đang phải chịu một áp lực rất lớn, vì thế mà luôn nghe theo mọi sự sắp xếp, mọi lời mà người lớn nói, nó trở nên không có chủ kiến, hoặc sợ hãi mà không dám đưa ra bất kỳ ý kiến nào?
Rồi đứa trẻ sẽ không biết rốt cuộc là nó thích gì, nó muốn làm gì, nó có thể làm được gì, luôn ngồi đó và chờ sự chỉ bảo của bố mẹ, cuộc sống thiếu đi sự tự lập.
Người trưởng thành cũng thế, khi mà bạn hằng ngày được nghe sếp khen ngợi trước các nhân viên khác, tần suất thường xuyên sẽ khiến bạn cảm thấy rất áp lực đúng không? Thậm chí chúng ta sẽ không còn muốn làm mọi việc quá tốt, quá hoàn hảo nữa, vì chúng ta muốn có được một khoảng không gian để thở, thay vì cứ phải gồng mình lên mỗi giờ, mỗi ngày.
Vì thế, nếu các bậc phụ huynh cứ luôn khoa trương phóng đại mọi sự việc con cái đạt được thành “thông minh, giỏi giang, ngoan ngoãn” thì tức là cha mẹ đang để con mình phải chịu những áp lực vô hình rất lớn. Khi đứa trẻ nhận thấy nó không xứng đáng với những lời khen như thế, thì nó sẽ như thế nào đây?
Xem thêm:
Con trẻ hoặc là sẽ quá cao ngạo hoặc là sẽ trở nên thất vọng với chính bản thân, chúng sẽ mất niềm tin vào bản thân, thậm chí là sẽ làm ra những việc khiến cha mẹ đau đầu để chứng minh cho “sự thật”.
Ghi nhận hành động của con bằng cách nói ra cảm xúc của bạn cũng chính là một cách khen ngợi ý nghĩa nhất mà trẻ mong đợi. Bởi vậy, các bậc phụ huynh, xin đừng ngại ngần mà hãy thay đổi cách hành xử với con trẻ ngay từ hôm nay!