Việc trẻ ti đêm nhiều không chỉ là nỗi khổ của mẹ bỉm ban ngày phải đi làm, đêm về không được yên giấc, mà còn ảnh hưởng đến cả chất lượng giấc ngủ của em bé. Khi con không được ngủ tròn giấc sẽ có ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển trí tuệ, chiều cao và thể lực của bé.
Chính vì vậy dù muốn hay không, thì mẹ vẫn nên chọn thời điểm thích hợp để tập cho con thói quen cai ti đêm.
Khi nào cần cho trẻ cai ti đêm?
Khi mẹ nhận thấy việc bú đêm ảnh hưởng đến chất lượng ăn ban ngày của bé. Thời gian ban đêm đáng ra dạ dày được nghỉ ngơi thì vẫn phải hoạt động liên tục nên hệ tiêu hóa mệt mỏi. Còn ban ngày con lại ăn ít. Điều này tạo thành vòng luẩn quẩn tiếp diễn khiến cơ thể bé không khỏe và ngày hôm sau lại lặp lại y vậy.
Một số bé sau khi dậy ti đêm thì không ngủ ngay lại được. Con sẽ đòi chơi khiến bố mẹ và cả bé đều mệt mỏi. Phụ huynh ban ngày đi làm mệt, ban đêm con quấy dễ sinh cáu giận do không được ngủ ngon giấc, ảnh hướng đến sức khỏe và tinh thần chăm con và hiệu quả công việc. Thậm chí nhiều mẹ mất sữa vì không có được một giấc đêm trọn vẹn.
Tâm lý của cha mẹ khi cai ti đêm cho con
Đối với những bé bú mẹ trực tiếp, việc cai ti đêm có thể khiến trẻ khóc vật vã trong một thời gian và có thể giấc ngủ bị gián đoạn. Để việc cai ti cho trẻ thành công, trước hết cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý. Phải kiên trì thì việc này mới tiến hành được. Mấy ngày đầu (có khi là cả tuần) con ở trong trạng thái cự tuyệt nên lượng ăn ban ngày có thể chưa tăng, khi đi vào ổn định con sẽ ăn tăng lên. Cũng không thể đòi hỏi con ngủ ngoan xuyên suốt đêm không ọ ẹ gì sau một vài ngày được, có thể con sẽ thức giấc nhưng sẽ không đòi ti nữa, nên nếu các mẹ kiên trì thì khoảng 10-15 ngày, chậm thì 1-2 tháng, con sẽ ngủ ngoan cả đêm.
Phương pháp cai ti đêm cho trẻ
- Với bé bú bình: Giảm dần dần lượng sữa trong bình mỗi đêm.
- Giãn cữ từ từ: Giả sử con bạn bú bốn cữ vào 23h, 1h, 3h, 5h.
+ Ngày 1: Giãn cữ 23h thêm 20 – 30 phút. Tức là lúc 23h con đòi bú thì không cho bú vội mà đợi 23h20 hoặc 23h30 mới cho bú.
+ Ngày 2: Cho con bú lúc 23h50 phút hoặc 24h hay muộn hơn.
Giãn đến cữ 1h con mới đòi thì nghỉ 1-2 ngày rồi lại giãn tiếp, tốc độ giãn cữ các lần sau nhanh hơn. Ví dụ 1 giờ giãn xuống 1h40, sau đó là 2h20. Giãn liên tục cho đến khi sáng dậy con mới đòi bú. Cách cai ti này con vẫn sẽ khóc, nhưng khóc không quyết liệt lắm và mẹ phải chấp nhận con bị thiếu ngủ vào ban đêm một thời gian.
Giãn cữ 4 giờ/lần với bé dưới 1 tuổi, 5-6 giờ/lần với bé trên 1 tuổi. Ví dụ con bạn bú cữ cuối lúc 10h thì đến 23h mới cho con bú tiếp, sau đó là 3h sáng và ngủ đến sáng.
- Sau khi giãn cữ thì có thể cắt cữ ti sữa của bé. Có 3 cách:
+ Cách 1: Cắt cữ lẻ hoặc cữ chẵn (Ví dụ con bú 5 lần trong đêm thì cắt cữ 1, 3, 5).
+ Cách 2: Cắt cữ muộn nhất trong đêm (ví dụ cữ 5h), sau khi con quen thì cắt tiếp cữ muộn thứ hai. Thời gian tối đa để cắt cữ đầu tiên là 5 ngày. Tối thiểu là 2 ngày. Các cữ sau tiến độ nhanh hơn.
+ Cắt hết tất cả các cữ trong đêm: Chịu nghe con khóc, gào, có thể ho, nôn, trớ (khi đó thì đừng cho con ăn lại, nhờ chồng/ông/bà vào dọn sạch sẽ, hút mũi cho con) rồi lại luyện tiếp, cho ăn sớm 30 phút đến 1 tiếng so với giờ dậy. Cách này thời gian thành công nhanh hơn, con khóc dữ vài đêm, mỗi đêm vài tiếng rồi sau đó con sẽ ngoan.
Ghi chú quan trọng mẹ cần nhớ
- Khi cai ti đêm, mẹ cần nhờ người khác ngủ với bé. Mẹ tuyệt đối không nên ở trong phòng bé vì bé ngửi thấy hơi sữa sẽ càng khóc quyết liệt.
- Sau khi cai được rồi mẹ cũng nên ngủ cách xa bé ít nhất 1 tuần.
- Song song với việc cắt ti đêm thì mẹ nên giãn cữ ngày, luyện tự ngủ và cho bé có một nếp sinh hoạt ổn định thì bé sẽ nhanh đi vào nề nếp hơn.