Trẻ bước vào thời kỳ ăn dặm là lúc con được học thêm các kỹ năng cần thiết cũng như bước đầu làm quen với nhiều món ăn mới. Lúc này, điều cần nhất là sự kiên nhẫn và cố gắng của mẹ để tìm ra đâu là phương pháp thích hợp nhất với con. Nhiều bà mẹ cho biết cảm thấy đắn đo khi không biết nên chọn phương pháp nào.
Chị Dương Hoàng Cơ (26 tuổi), mẹ của 2 em bé đã áp dụng cho các con tất cả các phương pháp ăn dặm phổ biến hiện nay nhiều mẹ tin dùng và rút ra hàng loạt lưu ý. Hy vọng những kinh nghiệm này sẽ hữu ích với các mẹ nhé.
1. Ăn dặm kiểu Nhật
- Là phương pháp ăn dặm tách riêng từng món, không nêm gia vị tới khi bé một tuổi.
- Thay đổi độ thô của thức ăn theo từng giai đoạn.
- Phù hợp với các mẹ có nhiều thời gian vì chế biến hơi cầu kì, nhiều dụng cụ cần chuẩn bị: 2-3 bát ăn, thìa, yếm, bộ chế biến, khay trữ đông, nồi hấp và các nguyên liệu để chế biến theo kiểu Nhật.
Lưu ý: Nếu mẹ đang phân vân giữa nồi nấu chậm và nồi kèm xửng hấp thì mình xin chia sẻ như sau: nếu mẹ đi làm hoặc mẹ bận rộn không có nhiều thời gian thì nồi nấu chậm sẽ là chân ái, còn mẹ ở nhà, thích bày vẽ các món ăn thì bộ nồi kèm hấp sẽ nấu chủ động hơn.
Ưu điểm:
- Bé sẽ được làm quen với nhiều loại rau củ khác nhau, mẹ sẽ biết con đặc biệt thích loại nào để khi con chán ăn mẹ tập trung vào những món đó.
- Tập cho con ăn nhạt tạo điều kiện cho thận con không làm việc quá tải. Việc cho ăn rau, trái cây sau này cũng dễ dàng hơn rất nhiều.
- Kiến thức kiểu Nhật giúp mẹ tăng được độ thô cho con đúng theo giai đoạn.
- Canh được lượng ăn phù hợp theo từng tháng tuổi của con: Điều này rất có lợi cho thói quen ăn uống sau này vì thực tế vẫn có rất nhiều bé đã lớn nhưng vẫn ăn cháo loãng. Như các mẹ cũng biết là ăn loãng lâu quá cũng không hề tốt đúng không?
- Bé nhà mình tháng đầu cũng ăn theo kiểu này, nhưng 7 tháng con không chịu ăn kiểu mẹ xúc nữa, rất hứng thú tự bốc ăn, các mẹ cứ quan sát con và cho con ăn theo "kiểu của con" nhé.
Nhược điểm:
- Hơi lích kích phần mua dụng cụ, cách chế biến cũng cầu kì hơn 2 phương pháp còn lại.
- Bé sẽ ăn từ rất ít đến nhiều, nên có thể những tháng đầu bé cũng không tăng cân nhiều.
2. Phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy (BLW)
- Là phương pháp tập cho bé ăn uống độc lập, ăn thô từ những bữa ăn đầu tiên.
- Nếu mẹ chọn kiểu này thì nghiên cứu mua ghế ăn, yếm ăn, khay ăn, bộ nồi chảo và đồ hấp, máy xay,... vì các món hấp và áp chảo rất nhiều, máy xay dùng nhiều cho các món chả cho bé tập ăn thô.
Lưu ý: Tháng đầu bé chỉ ăn rau củ hấp, mẹ có thể mua khay dùng đĩa nhựa ở nhà hoặc để trực tiếp trên bàn của con; Yếm ăn chọn loại dài tay vì bé ăn hay bẩn hai cánh tay, có máng rộng càng tốt giúp mẹ đỡ khoản dọn dẹp; Dụng cụ ăn BLW có thể thêm dao sóng, hoặc vài khuôn cơm xinh xinh,...
Ưu điểm:
- Đồ ăn của con hấp luộc là chính nên khâu chuẩn bị cực kì nhanh, bận quá mẹ chỉ cần cho vào nồi cơm của gia đình là xong bữa của con.
- Bé rèn luyện được rất nhiều kĩ năng xử lý thức ăn như: đồ cứng con tự biết nhè ra, con biết làm mềm thức ăn trước khi nuốt, con thuần thục việc cầm nắm điều khiển tay của mình để đưa thức ăn lên miệng.
- Theo đúng bài bản thì bé sau 1 tuổi đã có thể dùng thìa tự ăn, và thành thạo khi bé được 15-16 tháng. Điều này giúp bố mẹ sẽ rất nhàn khi đưa con ra ngoài ăn uống.
- Phương pháp này theo xu hướng Tây, rèn luyện tính tự lập cao.
Nhược điểm:
- Rất áp lực nếu không thuyết phục được gia đình cùng đồng ý để cho bé theo phương pháp này.
- Chấp nhận một sự thật có khi 2-3 tháng đầu bé sẽ không ăn được gì cả, có thể bị chững cân.
- Nếu cho bé ăn theo kiểu này, mẹ sẽ phải dọn dẹp khá nhiều. Con hay bị ọe là chuyện bình thường, mẹ cũng nên chuẩn bị kĩ kiến thức để phân biệt khi nào con oẹ, khi nào hóc.
- Nói chung mẹ phải tự tìm hiểu nghiên cứu thật kĩ, tự tin rồi mới cho con ăn, chứ đừng thấy con người khác ăn rồi cũng bắt con mình ăn nhé.
- 7 tháng mình chọn cho con theo phương pháp này, nhưng vì bà ngoại sợ cháu không no nên mình dặm thêm một bát cháo truyền thống. Thứ tự là ăn BLW trước, sau đó mới là xúc cháo cho con.
3. Ăn dặm kiểu truyền thống
- Là kiểu mà chúng mình vẫn được cho ăn từ hồi bé. Bắt đầu từ bột mịn và chuyển dần sang cháo rau củ thịt - cá xay, trộn chung tất cả.
- Kiểu này phù hợp với các mẹ trông con một mình, phải đi làm sớm và nhờ người trông hộ.
- Nếu mẹ cho bé ăn truyền thống thì nghiên cứu mua máy xay vì sẽ dùng thường xuyên. Một bát to, muỗng, một chiếc nồi nhỏ nấu riêng cho bé sẽ tiện hơn hoặc mẹ đi làm thì mua nồi nấu chậm sẽ là chân ái.
Ưu điểm:
- Chế biến khá đơn giản, làm chín cháo và đồ ăn rồi xay chung với nhau. Giúp mẹ tiết kiệm thời gian (cần lưu lý các món kị nhau khi nấu chung).
- Xay nhuyễn sẽ giúp quá trình tiêu hóa của con tốt hơn, không ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng vào cơ thể bé.
- Một ưu điểm nữa là ông bà cũng sẽ vui vẻ khi mẹ cho con ăn theo kiểu của ông bà.
Nhược điểm:
- Bé ăn nhuyễn quá lâu dẫn đến việc bé chỉ có phản xạ nuốt chửng, khó luyện được khả năng nhai. Bất tiện cho việc ăn uống sau này khi bé bắt đầu đến trường.
- Giai đoạn tốt nhất để tập nhai là dưới 1 tuổi, mẹ bỏ lỡ là khá khó khi tập về sau.
- Việc nấu chung tất cả các nguyên liệu sẽ khiến bé không phân biệt được mùi vị từng loại thực phẩm, dù mẹ có thay đổi cháo gà, cháo cá... nhưng quanh năm suốt tháng con ăn một bát như vậy cũng sẽ "ngán", dẫn đến không hứng thú với bữa ăn, nghiêm trọng hơn là biếng ăn và kén chọn thực phẩm sau này.
"Dựa theo những kiến thức đã biết mà mình chia sẻ ngắn gọn, dễ hiểu nhất cho các mẹ, vì bé nhà mình gần 2 tuổi đã áp dụng cả 3 phương pháp rồi. Lợi ích đầu tiên mình nhìn thấy ở kiểu Nhật đó là Upin không hề kén rau xanh, có những hôm không nêm gia vị gì con vẫn ăn tốt.
Lợi ích thứ 2 từ phương pháp BLW đó là khả năng xử lý được thức ăn trong miệng, có hôm cái sụn của miếng sườn non xay không nhuyễn mình thấy con nhè ra, tức là bé sẽ biết cái gì không ăn được... hạn chế được tình trạng nuốt trọn rất dễ gây nghẹn, hóc.