Kỹ năng xử lý tình huống ở bé là một kỹ năng tư duy quan trọng góp phần tạo nên những thành công trong học đường và trong tương lai. Ở những bước khởi đầu, những tình huống xử lý tưởng chừng như thật đơn giản: làm thế nào để lục lạc tạo ra tiếng kêu, làm thế nào để chú hề trong hộp nhạc xuất hiện…, nhưng để trả lời cho những thắc mắc này đòi hỏi nhiều tư duy và phương pháp Thử-Sai. Sau khi bé khám phá được cách vận hành đồ chơi, bé sẽ cảm thấy tự tin và hãnh diện hơn. Sự tự tin và hãnh diện này sẽ khuyến khích bé tìm tòi và học hỏi nhiều hơn về thế giới xung quanh bé.
Mỗi bé có cách xử lý tình huống khác nhau tùy vào lứa tuổi và môi trường của bé. Bạn sẽ làm gì để giúp bé phát huy kỹ năng này?
Đối với bé có độ tuổi từ 0-16 tháng:
Ở lứa tuổi này, bé sẽ bắt đầu học kỹ năng xử lý tình huống bằng việc tìm hiểu và khám phá những vật dụng và môi trường xung quanh mà bé được tiếp xúc. Sau đó bé áp dụng những trải nghiệm này vào những tình huống mới đối với bé. Ví dụ:
Khi được 7 tháng tuổi, bé có thể phân biệt được giữa người lạ và người thân quen, và tùy vào đối tượng gặp gỡ nào mà bé có những phản ứng khác nhau. Cụ thể là với người quen, bé bé sẽ dang tay đón chào, và với người lạ thì bé sẽ dè dặt hơn và phản ứng bằng việc nép mình vào những người thân bên cạnh bé.
Đến 11 tháng tuổi, khi nhìn thấy bố mẹ thường hay vẫy tay chào tạm biệt bé trước khi đi làm, bé sẽ áp dụng động tác vẫy tay này với bố mẹ vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Những điều đơn giản để giúp bé:
- Giúp bé đạt được mục tiêu: Quan sát bé và xem bé đang muốn làm gì và giúp bé đạt được điều đó trong điều kiện an toàn. Ví dụ: Bé đang vươn tay lấy đồ chơi bé muốn, trước tiên bạn sẽ tạo điều kiện cho bé lấy trong tầm tay của bé, sau đó để tạo điều kiện cho bé phát triển hơn, bạn di chuyển đồ chơi của bé xa hơn tầm tay của bé và khuyến khích bé cố gắng với tay để lấy đồ chơi bé muốn. Và cũng đừng quên khen bé khi bé đạt được mục tiêu.
- Làm mẫu cho bé: Bạn hãy mở nắp hộp đồ chơi và lấy những hình khối trong hộp ra trước mặt bé, sau đó đặt tất cả những hình khối ấy lại vào hộp, và khuyến khích bé lấy hình khối ấy ra. Việc nhìn và bắt chước những động tác là cách bé học hỏi về thế giới xung quanh.
Đối với bé từ 16-30 tháng tuổi:
Ở lứa tuổi này, khi đã được phát triển tư duy nhạy bén ngay từ nhỏ, bé sẽ bắt đầu chủ động hơn trong việc tự tìm hiểu, khám phá, và xử lý tình huống. Giai đoạn này, ngoài việc lặp đi lặp lại một hành động, bé sẽphối hợp tất cả những kỹ năng cơ bản mà bé đã trãi nghiệm(ngôn ngữ, tư duy, kỹ năng vận động…) vào việc phát triển kỹ năng xử lý tình huống theo hướng riêng của be, bằng những cách sau:
- Phối hợp tất cả những giác quan để khám phá thế giới xung quanh: Bé sẽ cầm 1 ly nước và đổ ra để xem làm thế nào có thể lấy nước ra, hoặc để cảm nhận được thế nào là “nước”, bé cho tay vào 1 ly nước để khám phá.
- Dùng những trãi nghiệm đã có để khám phá và xử lý tình huống mới: Có lúc bạn sẽ tự hỏi tại sao bé lại hay tô màu lên bàn thay vì lên giấy như bạn và bé hay cùng làm. Đó là lúc bé đang tự tìm hiểu sự khác nhau giữa tô màu trên giấy và trên vật liệu khác.
- Không ngừng bắt chước những người xung quanh là những kỹ năng cần thiết để bé học cách xử lý tình huống. Khi thấy bạn luôn mỉm cười với hàng xóm, bé cũng sẽ rất thân thiện và mỉm cười với họ.
Những điều bạn có thể làm để giúp bé phát triển kỹ năng xử lý tình huống
- Hướng dẫn bé cách xử lý tình huống bằng những bước như sau:
- Nêu vấn đề: “Mẹ không cho con vẽ trên tường”
- Đặt câu hỏi: “vậy thì con nghĩ xem mình nên vẽ ở đâu?”
- Tạo sự lựa chọn cho phép: “con muốn mình vẽ trên thùng giấy này không, hay là mình cùng vẽ trên giấy màu này?”. Trong trường hợp bé vẫn muốn vẽ trên tường, bạn hãy giải thích tại sao bạn không đồng ý, “mẹ nghĩ là con không nên vẽ trên tường vì sẽ rất khó lau sạch, và tường sẽ không còn được trắng như vậy nữa! Hay là mình chơi cái khác nhé, và khi nào con muốn vẽ thì hãy vẽ trên giấy màu hoặc hộp giấy nhé!”
- Đề nghị cách xử lý tình huống nếu bé chưa tự nghĩ ra cách: “Mẹ thấy là bạn đang chơi trên chiếc xe đó rồi, hay là trong lúc đợi, con đẩy xecho bạn nhé, sau đó đến lượt con.
- Giúp bé đạt được mục tiêu: Khi thấy bé thất vọng vì không thể làm chú mèo phát ra tiếng kêu, bạn chỉ cho bé nút bấm và khuyến khích bé làm thử.
- Cùng cho bé tham gia vào việc nhà đơn giản: Việc cho bé giúp mang muỗng ra bàn ăn sẽ giúp bé hiểu được muỗng và đũa là những vật dụng cần thiết cho bữa ăn.
- Khuyến khich bé yêu cầu giúp đỡ khi cần: Khi thấy bé đã cố gắng loay hoay mọi cách để lấy trái banh ra khỏi gầm ghế, bạn đề nghị “banh bị kẹt rồi hả con, gọi mẹ khi con cần giúp nhé?”
Đối với bé từ 30-36 tháng tuổi:
Giai đoạn này, bé sẽ phát huy hơn việc tự xử lý tình huống mới bằng chính tư duy của bé. Cụ thể là bé sẽ nhớ những gì bé đã thấy hôm qua (“mẹ oi, hôm qua con thấy con mèo đen!”), bé sẽ tự kết nối việc bé thấy vào trò chơi của mình (bé sẽ mang chú mèo bông Miu Miu ra, và làm tiếng mèo kêu “meo meo”), sau đó bé sẽ tự tạo nên câu chuyện cho mình “Miu Miu đói bụng rồi, con sẽ cho nó ăn!”. Rõ ràng bé đã tự tạo cho mình tình huống mới để xử lý (Miu Miu đói bụng) và cũng đã tự tìm cách giải quyết tình huống đó (cho Miu Miu ăn)
Những điều bạn có thể làm để giúp bé:
- Chia sẻ với bé những khoảnh khắc trong ngày: “Sáng nay ở lớp học, mẹ thấy con giữ thăng bằng thật hay”. Điều này sẽ giúp bé phát huy trí nhớ (sự kiện xảy ra ở lớp) và kỹ năng giao tiêp ngôn ngữ (“thăng bằng”)
- Khuyến khích bé vận dụng khả năng tư duy để giải quyết tình huống: “làm sao mà con leo được cao vậy?”
Thật vậy, kỹ năng xử lý tình huống của trẻ rất quan trọng và có tầm ảnh hưởng rất lớn đối bé sau này. Khi đã được rèn luyện và hướng dẫn đúng cách từ nhỏ, bé sẽ sử dụng và phát huy tối đa khả năng tự tìm tòi, học hỏi, và xử lý tình huống, từ đó sẽ tạo nên những động lực góp phần vào sự sáng tạo và tự tin cho bé. Hơn thế nữa, vai trò của bạn tuy tưởng chừng như đơn giản nhưng có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển toàn diện của bé sau này.