Ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội, các ông bố bà mẹ trẻ khi dạy con thường bỏ qua những tiểu tiết, bên cạnh đó trẻ em sớm được tiếp xúc với nền công nghệ, hay các sản phẩm từ công nghệ, điều này là một điểm tốt, tuy nhiên nó cũng vô hình chung tạo cho trẻ những thói quen xấu, làm mất đi những ứng xử cơ bản nhất.
Dạy con những điều cơ bản và quen thuộc nhất từ lời ăn, tiếng nói, cách đi đứng chào hỏi… từ khi còn là một đứa trẻ, nó sẽ có ảnh hưởng đến sự phát triển, nhân cách sống khi trưởng thành. Dưới đây là 5 điều cơ bản, bạn nên dạy con khi con là một đứa trẻ.
Dạy con cách chào hỏi
Chào hỏi được xem là bước đầu tiên của một mỗi quan hệ tin cậy, không chỉ đối với người lớn mà đối với đứa trẻ điều đó cũng rất quan trọng. Đó là kỹ năng quan trọng trong cuộc sống khi chúng trưởng thành. Từ việc chào hỏi hết sức đơn giản như; chào hỏi bố mẹ, ông bà, anh chị, trước và sau khi ra khỏi nhà hay lần đầu tiếp xúc với người lạ.
Việc dạy con chào hỏi không nên quá gò ép và cứng nhắc, thay vì bắt bé khoanh tay, cha mẹ nên dạy bé nhìn thẳng vào người đối diện, đứng thẳng người và chào theo đúng thứ bậc “ông, bà, cô, bác, anh chị…”, đó là một cách chào lịch sự, thể hiện sự tôn trọng dành cho người đối diện.
Cha mẹ nên là tấm gương để bé noi theo, trước khi đến nhà ai chơi bạn nên giới thiệu cho bé biết đó là nhà của ai? Bé sẽ chơi với ai, nhắc bé chào hỏi khi gặp mọi người. Để con có thể dễ dàng hơn trong việc chào hỏi, cha mẹ cũng có thể hướng dẫn con chào hỏi như “con chào ông bà đi”, “con chào 2 bác đi”…
Dạy con cách trả lời
Cách trả lời là bước đầu tiên của sự tôn trọng. Khi giao tiếp cách cư xử và sự tôn trọng không thể tách rời nhau. Trẻ em bắt đầu phát triển sự tôn trọng người khác trước tiên bằng cách tôn trọng bố mẹ. Trẻ em cần được dạy dỗ để hành xử lễ phép với các đấng sinh thành trong cách trả lời “Dạ, vâng”. Hãy dạy cho con học cách lễ phép trong việc trả lời khi người lớn gọi.
Việc dạy con trả lời phù hợp phải với từng đối tượng và từng hoàn cảnh, đối với người lớn, bố mẹ mình bằng câu “Vâng ạ” hay “Vâng, thưa ông/bà”… Khi người lớn nói chuyện, trẻ con nên chú ý và khi người lớn hướng dẫn, chỉ bảo, trẻ em nên thực hiện ngay. Khi trả lời với bạn bè, hãy dạy con trả lời phù hợp với bạn bè khi ở trường hay đi chơi như cậu – tớ….
Sắp xếp đồ dùng
Đây được xem là bước đầu tiên của sự phân biệt. Đơn giản chỉ là việc sắp xếp những đồ dùng hàng ngày như giày, dép hay đồ chơi của bé. Để tạo thói quen cho con, bố mẹ nên cùng trẻ tham gia và hưởng ứng việc làm của bé. Trước hết, bố mẹ nên làm mẫu và sau đó hướng dẫn để bé thực hành. Mới đầu còn chưa quen nên bé sẽ làm chưa được tốt. Lâu dần, trẻ sẽ thực hiện một cách thành thạo các công việc sắp xếp đồ đạc như: gập chăn, màn, quần áo, xếp gọn gàng đồ dùng học tập, đồ chơi… của bé. Cha mẹ hãy thường xuyên ở cạnh để nhắc nhở và trợ giúp bé nếu cần.
Bên cạnh việc khuyến khích, động viên bạn hay giao trách nhiệm để trẻ có ý thức trong việc giữ gìn phòng ở gọn gàng và sạch sẽ. Bố mẹ có thể giao cho bé một số việc nhẹ nhàng như: dọn đồ chơi, đồ dùng học tập đúng nơi quy định, dọn dẹp phòng ngủ… những công việc này vừa với sức của bé. Từ những việc cụ thể này, tính cách gọn gàng, ngăn nắp của bé sẽ được hình thành khi con trưởng thành.
Tư thế ngồi
Ngồi ăn đúng cách, đúng tư thế, không những đảm bảo cho bữa ăn được ngon miệng mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển của cơ thể bé.
Hãy dạy con ngồi đúng cách, đúng chỗ khi ở trong đám đông, cách nhường chỗ ngồi cho người khác khi cần thiết. Vấn đề này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến ý thức khi con trưởng thành.
Cư xử trong bữa ăn
Đây được xem là nền tảng của giáo dục sức khỏe. Bữa ăn gia đình là yếu tố rất quan trọng, vì thế hãy dạy trẻ cách cư xử trong bữa ăn như thế nào là phù hợp
Trước bữa ăn: hãy dạy trẻ cách ứng xử trước bữa ăn bằng những việc nhỏ nhặt, như giúp mẹ lấy bát, đũa hay bày thức ăn ra bàn..
Trong bữa ăn: văn hóa trong ăn uống có ảnh hưởng rất lớn trong cuộc sống, bố mẹ hãy hình thành cho trẻ thói quen như trước khi ăn phải mời những người xung quanh trước khi ăn, trong khi ăn nên nói chuyện với mọi người để tạo nên sự ấm cúng của bữa ăn. Hay đơn giản chỉ là cách cầm đũa, thìa và bưng bát như thế nào cho đúng và phù hợp…
Sau bữa ăn: Dạy con ứng xử sau bữa ăn bằng cách hướng dẫn con làm những việc đơn giản sau bữa ăn như giúp mẹ dọn bàn ăn, sắp xếp lại bàn ăn…Bố mẹ hãy hướng dẫn và làm mẫu cho con để trẻ học theo.
Để con bạn lớn lên là một đứa trẻ có sức khỏe và nhân cách tốt, ngay từ nhỏ hãy hình thành cho trẻ những thói quen cơ bản nhất trong cuộc sống.