"Nêm gia vị vào đồ ăn dặm của con thế nào cho chuẩn?" là thắc mắc của nhiều mẹ bỉm sữa khi con đến thời điểm ăn dặm.
Bác sĩ Anh Nguyễn - hiện đang công tác tại ĐH Worcester - Anh, là thành viên của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Lâm Sàng Anh (The British Association for Applied Nutrition and Nutritional Therapy) cho biết, có không ít trường hợp sai lầm khi nấu đồ ăn dặm cho trẻ, trong đó có việc nêm gia vị.
Nhiều mẹ khi gặp phải tình trạng con không chịu ăn dặm, liền nghĩ ngay đến việc thức ăn dặm của con quá nhạt nhẽo, không ngon nên vội vàng sử dụng nêm gia vị. Mẹ nêm gia vị như mắm, muối, đường, hạt nêm, mì chính... vào đồ ăn của trẻ là sai lầm. Hệ thống các cơ quan trong cơ thể của trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn thiện và còn non nớt, nhất là thận.
Nếu con ăn quá mặn, thận của con sẽ bị tổn thương. Việc ăn nhiều muối cũng làm cho cơ thể kém hấp thu kẽm, gây nên tình trạng biếng ăn, khó ngủ và chậm lớn. Ngoài ra, cũng có những bằng chứng cho thấy ăn nhiều muối trong giai đoạn ăn dặm sẽ gây tổn thương não bộ.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là trẻ không cần muối – một vi chất không thể thiếu đối với sự phát triển của cơ thể. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng cần muối nhưng chỉ cần một lượng rất nhỏ trong chế độ ăn uống. Cụ thể, lượng muối cần thiết cho độ tuổi này chỉ nhỏ hơn 1g. Lượng muối khoáng này đã có đủ trong rau củ quả, sữa mẹ. Do đó, các mẹ không cần phải lo lắng chuyện bé ăn nhạt miệng hoặc không thấy ngon.
Việc cho trẻ ăn quá ngọt cũng có nhiều tác hại. Con sẽ dễ bị béo phì, sâu răng và huyết áp cũng dễ dàng bị ảnh hưởng.
Vị chuyên gia khuyến cáo dầu ăn hoặc mỡ động vật là gia vị duy nhất cần phải cho vào đồ ăn dặm. Chúng thuộc nhóm chất béo - là nhóm chất dinh dưỡng rất quan trọng, đóng vai trò chính trong cung cấp năng lượng cho trẻ, giúp hình thành mô mỡ có chức năng điều hòa thân nhiệt. Thiếu chúng, trẻ sẽ khó hấp thu các vitamin.
Lượng gia vị tối đa cho vào đồ ăn dặm của bé 1 ngày theo độ tuổi
Bé dưới 1 tuổi: Không nêm bất cứ loại gia vị gì vào thức ăn.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ em dưới 1 tuổi nên hạn chế lượng muối, đường và bột ngọt tiêu thụ trong mỗi bữa ăn. Thậm chí, muối và bột ngọt gần như bị xem là "chất cấm" trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ vì những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe.
- MUỐI/ĐƯỜNG/BỘT NÊM: Không dùng.
- NƯỚC MẮM/NƯỚC TƯƠNG (dù là loại trẻ em): Không dùng.
- GIẢ MUỐI TỪ THỰC VẬT: Lượng bằng 1 muỗng cafe/ngày (dạng bột như hướng dẫn ở trên).
- TIÊU: Lượng bằng phần đầu của muỗng/ngày (chỉ dùng cho bé trên 10 tháng).
- HÀNH/TỎI: Lượng bằng 1 muỗng cafe/ngày (chỉ dùng cho bé trên 10 tháng).
- RAU THƠM CÁC LOẠI: Lượng bằng 1 muỗng cafe/ngày.
- DẦU ĂN: 1-2 muỗng cafe/ngày. 1 tuần không quá 4 ngày.
- MẬT ONG: Không dùng.
Bé từ 1 đến 3 tuổi
- MUỐI/ĐƯỜNG/BỘT NÊM: 1/2 muỗng cafe/ngày.
- NƯỚC MẮM/NƯỚC TƯƠNG (dùng loại người lớn hay trẻ em đều được, nước mắm không dùng loại đạm cao): 1 muỗng cafe/ngày.
- GIẢ MUỐI TỪ THỰC VẬT: Lượng bằng 1 muỗng cafe/ngày.
- TIÊU: Lượng bằng phần đầu của muỗng/ngày.
- ỚT: Lượng bằng phần đầu của muỗng/ngày.
- HÀNH/TỎI: Lượng bằng 1 muỗng cafe/ngày.
- RAU THƠM CÁC LOẠI: Lượng bằng 1 muỗng cafe/ngày.
- DẦU ĂN: 1-2 muỗng cafe/ngày. Tuần không quá 4 ngày.
- MẬT ONG: Lượng bằng 1 muỗng cafe/ngày.
Bé trên 3 tuổi
- Có thể ăn đa dạng gia vị theo khẩu vị của gia đình. Nhưng tốt nhất vẫn nên hạn chế đường, muối, nước mắm trong chế biến món ăn để giảm nguy cơ các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường và ung thư bao tử khi bé trưởng thành.