Sự việc đã xảy ra mấy tháng trước nhưng chị Ngân (Nghĩa Tân, Hà Nội) vẫn nhớ như in từng chi tiết xảy ra hôm con bị lạc. Bà mẹ trẻ kể, con trai lúc nhỏ bị chậm nói, khả năng nhận thức cũng kém hơn trẻ bình thường nên chị ít khi đưa con đi đâu cùng. Sau một thời gian trị liệu, chị thấy con tiến bộ hẳn. Được bác sĩ khuyên nên cho cháu tham gia nhiều hoạt động, giao tiếp với mọi người, chị quyết định đưa con đi siêu thị cùng. Nhưng ngay lần đầu tiên cho con đi mua sắm cùng, cháu đã lạc mẹ mấy tiếng.
"Thấy con say mê xem ở hàng đồ chơi, tôi tới quầy thực phẩm gần đó chọn đồ, chỉ vài phút sau quay ra đã không thấy con đâu. Khi ấy tim tôi như cứng lại. Con mình không được tinh nhanh như trẻ khác nên càng lo, chỉ sợ có chuyện gì không hay xảy ra với cháu", chị Ngân kể lại.
Quá cuống, chị vội vàng chạy khắp siêu thị tìm con mà không nghĩ được điều gì khác. Chị đi tới từng quầy, rồi hỏi những người đi mua hàng xem có thấy cậu nhóc giống con không nhưng không kết quả. Sau hơn một tiếng đi khắp hai tầng siêu thị, chị mới nghĩ tới việc nhờ bảo vệ của siêu thị thông báo lên loa tìm con nhưng một tiếng sau cũng chưa thấy bé đâu.
Nướt mắt ngắn dài, người mẹ lấy điện thoại ra định gọi cho chồng để anh tới giúp thì thấy có nhiều cuộc gọi nhỡ từ một số lạ vào máy. Chị gọi lại ngay thì đầu dây bên kia trả lời: "Tôi là thu ngân của siêu thị. Có một cháu bé bị lạc đến nhờ tôi gọi giúp vào số của mẹ nhưng không thấy chị nghe máy. Cháu vẫn đứng ở quầy thanh toán số 3. Chị ra ngay nhé". Niềm vui vỡ òa, chị Ngân vội vàng chạy ra ôm con và thầm tự trách mình.
"Hóa ra khi con đi can thiệp chậm nói đã được thầy dạy luôn cách xử trí khi bị lạc. Cháu thấy cô mặc đồng phục thì tìm tới nhờ gọi cho mẹ, còn mẹ lại chẳng để ý gì đến điện thoại của mình. Khi có loa thông báo tìm cháu, cô thu ngân chắc đang bận thanh toán cho khách nên cũng không để ý", chị Ngân kể lại.
|
Ảnh minh họa: Datum.doonks.
|
Cũng từng thất thần vì lạc con trong chuyến đi nghỉ mát năm ngoái, chị Tâm (Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: "Thực tình, nhiều khi chính người lớn thiếu kỹ năng trong tình huống này vì quá hoảng".
Năm ngoái, gia đình chị Tâm đưa con đi nghỉ ở Đà Nẵng. Sau khi cả nhà tắm và lên bờ chụp ảnh xong, định về khách sạn thì không thấy con đâu. Lúc này, mọi người đều hốt hoảng bủa đi tìm và gọi tên cháu, với nỗi lo lớn nhất là con xuống nghịch nước và bị sóng cuốn trôi. Chị Tâm thậm chí còn sợ đến nỗi chỉ biết đứng tại chỗ khóc, không biết nên làm thế nào. Rất may sau đó, một người bảo vệ biết chuyện đã gọi điện cho các đồng nghiệp thông báo về trường hợp con chị Tâm bị lạc. Chỉ vài phút sau, họ đã phát hiện cháu bé đang trên đường về khách sạn nơi gia đình đặt phòng.
"Sau này tôi hỏi thì con nói, cháu không nhớ số điện thoại của bố mẹ, nhìn xung quanh bãi biển thấy chỗ nào cũng giống nhau nên cháu đã tìm về phòng nghỉ để đợi bố mẹ", chị Tâm kể.
Bé nhà anh Nhân (Trương Định, Hà Nội) lại lạc đường khi đi cùng bà ra sân vận động xem biểu diễn văn nghệ cách đây không lâu. Bé Na 6 tuổi, được bố mẹ cho về quê chơi với ông bà vào dịp nghỉ hè. Hôm 1/6, Na được bà đưa đi xem văn nghệ ở địa phương. Giữa buổi, bà dặn cháu đứng nguyên tại chỗ đợi bà chạy ra ngoài mua cho cốc nước mía, khi bà quay lại đã không thấy cháu đâu. Bà cuống cuống đi tìm nhưng sân quá đông, người người chen chân nhau nên bà không thể nhìn được cháu.
Hóa ra, cô bé 6 tuổi sau một lúc không tìm được bà, đã chạy tới chỗ một chú bảo vệ trật tự nhờ gọi điện cho bố. Khi ấy bố mẹ cô bé đang ở Hà Nội, nhận được điện của con liền gọi một người bác ra sân vận động đón cháu vì bà không có điện thoại. Sau đó cả nhà lại phải nhờ loa phát thanh thông báo cháu đã về nhà để bà khỏi lo và đi về.
Thạc sĩ Nguyễn Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu tâm lý NT (Hà Nội), cho biết, rèn cho con làm sao tránh bị lạc và biết ứng phó khi rơi vào tình huống này là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, một điều quan trọng không kém là bố mẹ cũng cần tự trang bị cho mình kỹ năng xử trí khi rơi vào cảnh này. Nhiều khi, người lớn đã trang bị cho trẻ khả năng biết nhờ người trợ giúp khi đi lạc nhưng vì chính họ quá hoảng hốt, cuống quít nên lại quên những điều cơ bản cần làm như: Gọi to tên con, nhờ loa thông báo, để mắt tới điện thoại xem có người gọi tới không...
Theo nhà tâm lý, khi tới những nơi công cộng, đông người như nhà ga, sân bay, sân vận động, bãi biển, người lớn cần luôn để mắt tới trẻ, ở gần trẻ và dặn con không được tự ý đi lang thang, tách gia đình, tách đoàn, nhóm (khi đi với lớp, bạn...). Tùy vào khả năng nhận thức của con mà bố mẹ dạy trẻ cách tránh lạc hoặc xử trí khi bị lạc. Nếu bé biết định hướng không gian tốt, khi đến một địa điểm nào đó, có thể dặn con đứng nguyên tại chỗ hoặc đợi tại một vị trí nào đó đã xác định khi chẳng may lạc bố mẹ.
Hãy tập cho con nhớ rõ tên mình, tên và số điện thoại của bố mẹ, đồng thời nhận biết được những người có thể tin cậy để tìm tới nhờ giúp đỡ, gọi điện như người mặc đồng phục (công an, bảo vệ...). Nếu trẻ chưa có khả năng nhớ các thông tin này, nên ghi vào một vật nào đó bé có thể luôn mang theo trên người.
Một điều quan trọng là cần rèn cho con giữ được sự bình tĩnh trong mọi tình huống. Trong gia đình, bố mẹ và con nên đóng vai vào một câu chuyện nào đó nói về cách xử trí khi lạc đường để trẻ "tập dượt" và nhuần nhuyễn kỹ năng này chứ không chỉ nói suông.
Ngoài ra, khi gặp được con, dù bạn đã lo lắng, hoảng hốt thế nào trong quá trình tìm bé, cũng đừng trách móc, mắng nhiếc trẻ. Bố mẹ cũng không nên vì một lần con đi lạc mà trở nên quá giữ con, không cho bé đi đâu, va chạm gì bởi như vậy chỉ làm con càng trở nên sợ hãi và co mình lại, thiếu các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống khi trưởng thành. Hãy nói cho con biết việc bé đi lạc có thể gặp những nguy hiểm gì, làm bố mẹ hoảng hốt thế nào và dặn con lần sau phải chú ý hơn.