Câu chuyện 1: Ăn gì ở hàng bánh cuốn?

Sáng cuối tuần, tôi gặp hai bố mẹ dắt cậu con trai vào quán bánh cuốn, lúc đó chừng 9 giờ sáng, bé trai chắc tầm 4 tuổi. Ngồi vào bàn, cậu bé phụng phịu mãi, tôi nghe thấy mẹ cậu bé hỏi: “Thế con ăn gì? Ăn phở hay ăn cháo?”, người mẹ cứ hỏi như thế cả chục lần mà cậu bé vẫn chẳng quyết định được ăn gì, trong khi bánh cuốn của cả nhà đã được bưng lên và nguội hết.

Hỏi mãi con: “Thế con ăn gì, ăn phở hay ăn cháo” rồi hỏi đi hỏi lại cô phục vụ “Ở đây có cháo không? Ở đây có phở không? Ở đây có bánh giò không?....” mà anh con trai vẫn ngúng nguẩy cầm đôi đũa khều khều, cả ông bố lẫn bà mẹ đều phát điên đến mức tét vào tay con khéo theo một “bài ca không quên” đầy giận dữ về tội lười ăn. Khổ thân cậu bé bị bố mẹ trút giận.

“Coi thường” con trong việc ăn uống là một “tội lỗi hồn nhiên” của nhiều bố mẹ Việt, tức là cho con ăn theo kiểu “bố mẹ cho gì, con ăn nấy”. Lúc con còn bé, có những món con không thích ăn, môi mím chặt, oặt người đi khóc để tránh miếng ăn mà bố mẹ vẫn tìm đủ mọi cách để nhét đồ ăn vào mồm con; đến khi con lớn, hiếm có bố mẹ nào hỏi con khi chuẩn bị món ăn “hôm nay chúng mình ăn món gì nhỉ?” hay “chúng mình còn lên thực đơn cho ngày mai nhé!” mà thường cặm cụi nấu nướng ê hề, đến lúc con không ăn thì lại bực dọc trách móc: “Mẹ hùng hục nấu nướng mà con ăn uống thế à, con có thương mẹ không?”…

Nếu như bố mẹ của bé trai kia cũng thỏa thuận trước với con ở nhà rằng cả nhà sẽ đi ăn món gì thì chắc chắn sẽ không có chuyện “ăn cháo hay ăn phở ở hàng bánh cuốn” xảy ra. Những việc rất nhỏ như thế nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến thói quen ăn uống của trẻ đã bị bố mẹ Việt bỏ qua và chịu hậu quả.

Những cảnh cho con ăn “đau tim” của bố mẹ Việt 1

Hãy tin tưởng và trao cho con quyền được quyết định ăn như thế nào và ăn bao nhiêu trong mỗi bữa ăn. Đó chính là điểm khởi đầu tuyệt vời cho niềm vui thích với mỗi bữa ăn của trẻ. (Ảnh minh họa)

Câu chuyện 2: Miếng trứng luộc ở công viên

“Làm gì cũng được, miễn là nó chịu ăn chị ạ!”, một bà mẹ trẻ đã nói với tôi như thế khi than vãn về việc cô con gái 1 tuổi rưỡi ăn ít quá, trong khi các bạn cùng tuổi ăn hết một tô cháo đầy thì con bé mỗi bữa chỉ vài thìa thì “chỉ sống cầm hơi qua ngày chứ làm sao mà cao lớn, thông minh được hả chị?”.

Thế nên mới có những cảnh cho con ăn “náo nhiệt” như thế này: ông bà ngồi gõ bát, cứ mỗi một miếng cháo được đút vào miệng cháu là nhảy múa tưng bừng để cháu bị “thu hút” mà nuốt hết miếng cháo; bố cho con cưỡi lên vai đi khắp xóm cho mẹ chạy theo, thi thoảng lại kiễng chân bón một thìa cơm cho con; mẹ chạy theo con mướt mải trong công viên, chốc chốc lại kéo tay giữ con lại để con cắn một miếng trứng luộc rồi chạy tiếp… Tôi tự hỏi, nếu bố mẹ cũng đặt mình vào vị trí của những em bé đó thì họ có cảm thấy miếng ăn còn ngon không?

Nhiều bố mẹ Việt đã “tước quyền” được tận hưởng bữa ăn như một niềm vui của các con, đó là được ngồi vào bàn ăn, được quyết định ăn bao nhiêu, ăn như thế nào và được háo hức chờ đợi những bữa ăn khác của mình với suy nghĩ “kiểu gì cũng được, miễn là con ăn” của mình.

Câu chuyện 3: Món cháo sô-cô-la

Ở quán cháo buổi sáng, bà mẹ trẻ vội vã đặt con xuống ghế nhựa và gọi một bát cháo sườn, cô bé còn ngái ngủ cứ gục mặt xuống đùi mẹ. Cháo vừa ra, mẹ lại hối hả vừa xúc vừa dựng con ngồi thẳng lên cưng nựng: “Nào ăn cháo giỏi mẹ xem nào!” nhưng cô bé vẫn tỏ ra đủng đỉnh và không có ý định ăn gì. Mẹ chắc là sốt ruột lắm nên liền nghĩ ra “chiêu trò” để dỗ con ăn bằng một thanh sô-cô-la.

Nhìn thấy thanh kẹo, cô bé… tỉnh hẳn ngủ, giành bằng được kẹo từ tay mẹ trong khi mẹ tranh thủ đút một thìa cháo vào miệng cô bé và “mặc cả” ăn ba miếng cháo được một miếng kẹo nhé. Tất nhiên, thanh kẹo thì hết veo trong khi bát cháo thì vẫn còn quá nửa và cuối cùng thì bữa ăn vẫn lại tiếp diễn trong tiếng cằn nhằn, giục giã của mẹ và tiếng ỉ ôi nhõng nhẽo của con.

Lỗi của ai? Không đứa trẻ nào sinh ra đã có thói đòi hỏi “ăn cái này thì được cái kia”, nhưng vì bố mẹ lúc nào cũng muốn nhanh, muốn nhanh hơn, muốn nhanh hơn nữa nên tìm đủ mọi cách để rút ngắn thời gian ăn uống của con, trong đó có cách “hối lộ” nếu ăn cơm thì được ăn kẹo này.

Còn rất nhiều câu chuyện thứ 4, thứ 5, thứ 6 mà tôi có thể kể, đó là những ông bố bà mẹ luôn miệng giục con: “Có ăn nhanh lên không thì bảo?” trong khi mình thì ngồi lai rai, cà kê vừa ăn cơm vừa xem tivi hay tán gẫu, nhâm nhi đủ thứ chuyện trên trời; đó là những ông bố mà mẹ luôn miệng so sánh “Nhìn xem kìa, vì không ăn nên bạn mới bé xíu thế kia đấy!”, “Con mà không ăn là sẽ bị như bạn kia kìa!”…; đó là những ông bố bà mẹ cả tuần không cho con ăn một bữa, nhưng bữa nào cho con ăn cũng than phiền con ăn uống chẳng ra đâu vào đâu rồi mắt trước mắt sau đùn lại bữa ăn cho giúp việc hay ông bà đỡ giúp.

Tôi nhớ lại hình ảnh mình gặp trong một nhà hàng pizza, một cậu bé khoảng chừng 6 tuổi ngồi khóc như mưa, miệng liên tục “Con không ăn đâu!” mà người mẹ vẫn kiên nhẫn năn nỉ con ăn từng thìa súp một, đến lúc chịu không nổi thì cậu bé ói tung tóe ra bàn làm náo loạn cả một góc nhà hàng, hỏi ra mới biết cậu bé đang ốm mệt, ở nhà không chịu ăn, mẹ đưa ra nhà hàng “thay đổi không khí” để xem bé có chịu ăn không? Tôi thấy thương cậu bé một, thì thương bà mẹ mười, những bà mẹ Việt có thể làm tất cả… chỉ để con chịu ăn!