Trong xã hội hiện đại, nhiều gia đình chỉ lo làm giàu mà quên đi việc chăm sóc và dạy dỗ con cái sao cho đúng cách. Vì thế, nhiều em vì sống trong nhung lụa, quen hưởng thụ, lười lao động mà đã có cách sống lệch lạc, buông thả và để lại những hậu quả dáng tiếc.
Vấn đề giáo dục về đạo đức, nhân cách sống cho giới trẻ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Với những vị là Phật tử tại gia, hiểu được những chân lý đúng đắn và màu nhiệm của Phật giáo đều mong muốn con mình sẽ được tiếp thu những điều ấy một cách tự nhiên cũng như trở thành con ngoan, trò giỏi. Bài viết này tiếp tục bàn về vấn đề giáo dục con cái từ khi trẻ còn nhỏ đến lúc trưởng thành, làm sao để uốn nắn được tính cách của trẻ và vẫn gieo trồng được hạt giống Bồ Đề một cách tự nhiên vào tâm thức các em.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thuyết về những điều mà cha mẹ nên dạy con từ khi mới là bào thai trong bụng mẹ đến khi trưởng thành.
Điều 1: Khi còn trong bụng mẹ, việc giáo dục con cái vẫn là điều hết sức quan trọng. Ở bài viết trước (Phương pháp dạy con khi mang thai theo tinh thần Phật giáo), chúng tôi đã nói đến phương pháp giáo dục con cái khi mang thai như là chìa khóa cần thiết của mỗi bậc làm cha làm mẹ nhằm gieo hạt giống lành cho con trẻ cũng như giảm bớt ác nghiệp mà đời trước con mình đã gieo, gia tăng phước thọ cho đời hiện tại.
Điều 2: Dạy con trở thành Phật tử từ nhỏ. Nhiều quốc gia theo Phật giáo trong đó có Việt Nam cứ nghĩ rằng nên tôn trọng tín ngưỡng của con. Nghĩa là cha mẹ đều là Phật tử đến chùa, tụng kinh, thấu hiểu giáo lý nhưng lại không hướng dẫn con thành một Phật tử, đây là điều hết sức đáng tiếc. Chúng ta đã biết những giáo lý nhân quả, nghiệp báo, những tấm gương hiếu hạnh, từ bi, trí tuệ của Đức Phật, Bồ Tát, hiểu được Phật giáo như là một cứu cánh của cho con đường lộ trình giải thoát của bản thân. Thế mà, chúng ta lại không dạy dỗ con cái những điều ấy, cứ để con trẻ tự phát triển với những trò chơi vô bổ ngoài xã hội là lỗi của các bậc làm cha mẹ. Chúng ta cũng đừng nên nghĩ trẻ còn nhỏ chưa hiểu gì, làm sao mà hướng dẫn cho chúng. Nếu ngay khi trẻ mới 1-2 tuổi, ta cho trẻ xem những tranh ảnh của các vị Phật, Bồ tát và dạy trẻ cung kính thì trẻ sẻ cảm thấy hoan hỷ mỗi lần đến chùa nhìn thấy các bức hình, tượng Phật. Từ 4 tuổi, ta có thể cho trẻ đến một ngôi chùa gần nhà để quy y, nhận pháp danh. Đến thời gian trẻ được 12 – 13 tuổi và khi trưởng thành từ 20 – 30 tuổi, chúng ta vẫn nên đưa con của mình đến thính pháp quy y. Việc này là hết sức quan trọng. Ngay khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành, việc nhận pháp danh và nghe các vị Thầy giảng về tam quy ngũ giới sẽ giúp con trẻ hiểu được hành động, lời nói, suy nghĩ, việc làm của mình là đúng hay sai. Nếu không học Phật, nhiều người sẽ không nghĩ rằng sát sanh là tội ác, là phải thọ nhận quả báo mà chỉ nghĩ đơn giản là vật dưỡng nhơn mà thôi. Còn nếu hiểu được về năm giới cấm, hiểu tội phước thì các em sẽ hạn chế bớt những việc làm sai trái trong cuộc đời. Đồng thời, hiện nay, nhiều ngôi chùa, tự viện tổ chức các ngày sinh hoạt gia đình Phật tử vào mỗi chủ nhật cũng như có các khóa tu vào mùa hè, cha mẹ đừng sợ con cái học nhiều thì không đủ thời gian tới sinh hoạt ở chùa. Chúng ta nên khuyến khích các cháu đến tu học vào những thời gian kể trên, từ đó con mình sẽ được bồi dưỡng các tố chất đạo đức và trở thành một con người hữu dụng trong tương lai.
Cha mẹ nên đưa trẻ đến chùa tham gia các khóa tu mùa hè
Điều 3: Khi trẻ bắt đầu đi học: Từ 3-4 tuổi, trẻ đã được đi học mẫu giáo. Lúc này, nếu gần nhà bạn có các trường mẫu giáo dân lập, tư thục Phật giáo do các Phật tử và sư cô dạy thì nên gởi trẻ đến đó. Nếu không có, ta có thể đưa trẻ đến các nhà mẫu giáo bình thường. Tại đây, chúng ta cần phải chuẩn bị tư vấn tâm lý cho con em. Trước khi đi học, các cháu chỉ biết đến việc vui chơi nên việc đi học làm nhiều trẻ nhỏ rất sợ hãi hoặc chán ghét. Vì thế, chúng ta phải làm công tác tâm lý. Trước ngày tựu trường, các bậc cha mẹ phải dẫn các cháu đến trường, đưa cháu ngồi vào một phòng học nào đó trong trường, gặp các thầy cô giáo. Từ đó, cảm giác xa lạ, lo lắng sẽ tan biến vào ngày đầu cắp sách tới trường. Bằng phương pháp này, con em sẽ thích đi học từ nhỏ. Nhiều cha mẹ do chưa hiểu hết được tầm quan trọng của tri thức hoặc vì điều kiện kinh tế khó khăn nên chỉ cho con đi học trong thời gian ngắn thì hãy nên suy nghĩ lại. Chúng ta nên cố gắng hy sinh thêm vài năm để con em có kiến thức, từ đó thay đổi cuộc sống nghèo hèn trong tương lai. Việc các em có bằng cấp, kiến thức thì cơ hội thành công về các lĩnh vực ngành nghề cao hơn những người bình dân.
Điều 4: Dạy con học ăn, học nói, học gói, học mở: Những điều này tạo thành phong cách sống cho con em ở hiện tại và tương lai. Trẻ em như một tờ giấy trắng và những gì mà chúng ta giáo dục trẻ hoặc lối sống trong gia đình sẽ có dấu ấn rất sâu đối với trẻ. Nếu chúng ta làm cha làm mẹ biết sống hiếu thảo với ông bà, thương yêu anh em và đối xử hòa hiếu với hàng xóm láng giềng thì trẻ nhỏ sẽ nhìn nhận được những việc đó và sẽ học cách sống như thế. Những việc làm cụ thể trong việc dạy con học ăn, học nói, học gói, học mở như sau:
Học ăn: thảo kính với ông bà, cha mẹ, hàng xóm, láng giềng, khi có thức ăn ngon nên chia sẻ cho mọi người. Nhiều gia đình nông thôn, vào mỗi dịp cúng giỗ, sau khi vừa cúng xong, nhiều bà mẹ thường sai con đem các món ăn còn nguyên dĩa để đem đến cho những người già trong xóm và các gia đình xung quanh. Từ đó, trẻ sẽ tập thói quen không ích kỷ trong từng miếng ăn, thức uống. Khi ăn, nên dạy con ăn trong chánh niệm, không nói chuyện thị phi, chuyện buồn hay chuyện không tốt ở hàng xóm trong mâm cơm.
Học nói: ở đây không chỉ các ông bố bà mẹ dạy con cách phát âm tròn vần, rõ chữ mà còn liên hệ tới cách thực hiện, thái độ, mục đích nói: đó là nên nói lời đoàn kết, văn hóa, nói hào ái, những lời nói đem lại lợi lạc cho mình và người, không nên nói thuê dệt, nói lưỡi hai chiều, nói những điều sai sự thật, nói xấu và gièm pha người khác.
Học gói, học mở: Chúng ta nên dạy con khéo léo trong các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và ngoài xã hội. Nhiều bậc làm cha mẹ cứ nghĩ cung cấp cho con thật nhiều tiền, còn việc giáo dục con cái đã có nhà trường lo, vì thế, nhiều đứa con mới sinh ra những thói hư, tật xấu và thái độ ngạo mạn, khinh đời trong cư xử với mọi người.
Điều 5. Dạy con tinh thần tự lập tự lập và độc lập: hướng dẫn khác với làm thế mọi thứ cho con em. Nhiều cha mẹ nghĩ mình từng lam lũ, khổ cực nên muốn con được sống trong sung sướng, cưng chiều theo mọi đòi hỏi của con cái và không cho con phải lao động dù là làm các công việc nhà. Chính điều này đã dẫn đến hiện tượng xuất hiện ngày càng nhiều các công tử bột, công chúa bột, không có khả năng tự lập trong cuộc sống. Thương con đúng cách là dạy cho con tinh thần tự lập dù trong những việc nhỏ nhất từ việc tự gấp chăn mền sau khi ngủ dậy đến việc tự giác trong học tập và làm việc. Bậc làm cha mẹ nên để con cái va chạm với cuộc sống bên ngoài và biết tự mình lao động kiếm tiền khi con đã trưởng thành để con hiểu được giá trị đồng tiền thay vì chỉ cung cấp mọi thứ theo đòi hỏi của con. Trong quá trình hướng dẫn con, không ép con bằng thái độ gia trưởng, chủ quan, lấy mình làm hệ quy chiếu mà phải hướng dẫn con cách lập nghiệp, tự đi lên bằng trí khôn, kiến thức.
Dạy trẻ lao động từ những việc nhỏ nhất
Điều 6. Dạy con gieo mầm tốt để nhận được quả ngọt: Nhiều người khi làm việc sai trái thỉ chỉ sợ bị luật pháp trừng trị, nếu như gia đình có thanh thế hoặc chạy chọt mà thoát tội, người ta cứ yên tâm sống nhởn nhơ. Họ không biết rằng, ngoài luật pháp, con người đều phải nhận lấy những gì mà mình đã gây ra. Vì vậy, các bậc làm cha mẹ nên dạy con về lý nhân quả ngày từ khi các cháu còn nhỏ bằng sự việc, ví dụ điển hình trong cuộc sống hoặc những những hình ảnh minh họa cụ thể trong kinh sách. Để các em hiểu rằng bất cứ một việc làm ác nào dù nhỏ thì chính các em cũng phải nhận lấy. Ngược lại, một việc làm thiện dù nhỏ như vớt con kiến đang bơi ra khỏi chậu nước thì cũng đem lại kết quả tốt đẹp. Việc giáo dục con sống một đời sống đạo đức cũng chính là trao cho con chìa khóa hạnh phúc vậy. giúp tha nhân thực ra là dag làm phúc cho bản thân mình.
Điều 7. Dạy con tiết kiệm và làm phúc: các bậc làm cha làm mẹ nên dạy cho con học đức tính tiết kiệm cho dù là gia đình có giàu có đến mức nào. Đồng thời, chúng ta nên dạy cho con biết san sẻ những gì mình có từ tấm áo cũ đến tiền tiết kiệm trong ống heo cho những người có hoàn cảnh khó khăn hoặc bỏ tiền vào thùng công đức mỗi khi đưa trẻ đến chùa.
Điều 8. Dạy con em biết quý trọng thời gian: Một trong những điều quý gia trong cuộc đời này là thời gian. Các bậc làm cha làm mẹ nên dạy cho con biết quý trọng thời gian để làm những việc có ích như học tập, đến chùa làm công quả, giúp đỡ những người tàn tật hay phụ giúp ông bà, cha mẹ các công việc trong gia đình thay gì tiêu phí nó trong các trò chơi vô bổ hay việc tụ tập bạn bè. Cho nên, mỗi người nên dạy cho con cách lập thời gian biểu và có những việc làm cụ thể trong tương lai. Bằng lối sống này ta sẽ không viễn vông về tương lai hoặc nhớ tiếc về quá khứ.
Điều 9. Dạy con thích nghi với cuộc sống. Khi con người ta càng lớn, người ta càng trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời mới thấm được mọi thứ không hề dễ dàng. Vì vậy, ngay khi con còn nhỏ, các bậc cha mẹ nên tập cho con biết thích nghi với mọi thay đổi trong cuộc sống. Chẳng hạn, khi con thiếu 1 phẩy nữa là được học sinh giỏi, ta nên dạy con biết cách đối diện với sự thật đó đồng thời động viên con tiếp tục cố gắng để có kết quả tốt hơn thay vì chỉ biết ủ rủ, khóc lóc. Nếu chẳng may con thi trượt đại học, các bậc làm cha mẹ cũng nên ở bên con và dạy con vượt qua cú sốc đó cũng như nạp năng lượng để chuẩn bị cho hành trình học tập gian khó tiếp theo. Từ những việc tập cho con tiếp xúc, chấp nhận và vượt qua mọi nghịch cảnh trong cuộc sống, con sẽ có bản lĩnh để giải quyết mọi rắc rối trong tương lai. Ngược lại, nếu để trẻ bỏ cuộc sau mỗi lần thất bại, lâu dần, trẻ sẽ mất đi tính năng động và không còn đủ tự tin khi làm bất cứ việc gì.
Việc giáo dục con cái theo tinh thần Phật dạy là điều vô cùng cần thiết bởi vì không chỉ dạy trẻ những kỹ năng sống cần thiết mà còn dạy cho trẻ phát triển những tính cách tốt, sống có đạo đức, trở thành những người con ngoan, trò giỏi, là những Phật tử thuần thành, góp phần hộ trì chánh pháp.