Một đoạn video dài 45 giây của một em bé hai tháng tuổi đang cười nói ríu rít trong nôi. Đoạn phim này dường như không khác biệt lắm trong vô số những đoạn phim gia đình được các ông bố bà mẹ tự hào chia sẻ trên mạng Internet. Đó là một em bé với đôi má hồng bầu bĩnh đáng yêu, cùng những lời thì thầm nựng nịu có thể làm tan chảy trái tim của bất kỳ ai.
Nếu xem kỹ đoạn video, chúng ta sẽ phát hiện ra một nhà tư duy nhỏ bé. Trong đoạn phim, Lulu đang ngắm nhìn hình ảnh phản chiếu của chính mình trong gương. Bé nhíu đôi lông mày lại, thè lưỡi ra, kêu lên ríu rít và nở một nụ cười rạng rỡ.
Mẹ của Lulu, đồng thời là một người bạn của tôi đã gửi cho tôi đoạn video quay lại một khoảnh khắc bé đang tập trung khám phá thế giới xung quanh mình.
“Một em bé vào độ tuổi đó, trong tình huống này bé đang cố gắng để thu nhận các thông tin vật lý về căn phòng”. Tiến sĩ Kathy Kathy Hirsh-Pasek, một nhà tâm lý học trẻ em tại Đại học Temple ở Philadelphia cho biết. "Các bé đang nhận biết các chuyển động, tìm hiểu cách bố trí của căn phòng, các góc độ và chiều cao. Tóm lại, các bé đang học cách khám phá và phát hiện những điều mới lạ."
Ở giai đoạn 10 tuần tuổi, Lulu đang thể hiện trí thông minh của mình: đánh giá các dữ liệu, tìm kiếm các họa tiết, cảm nhận về môi trường xung quanh và cuối cùng là phát triển kỹ năng tư duy mà bé sẽ áp dụng trong lớp học vào một ngày không xa.
BÉ THÔNG MINH HƠN BẠN NGHĨ
Khi đề cập đến sự thông minh của trẻ sơ sinh, rất nhiều người liên tưởng ngay đến các flash cards và các video giúp phát triển ngôn ngữ. Kệ sách trong các cửa hàng trưng bày đầy những sản phẩm giúp phát triển khả năng nhận thức của trẻ. Và báo chí tràn ngập các báo cáo về hiệu ứng Mozart giúp tăng cường chỉ số thông minh IQ của bé. Thậm chí có khám phá cho thấy rằng một em bé sáu tháng tuổi có thể hiểu được môn toán! Tuy nhiên, “Không có bằng chứng nào cho thấy các sản phẩm này có thể cải thiện trí thông minh của trẻ”, tiến sĩ Alison Gopnik cho biết. Ông là giáo sư tâm lý học trẻ em tại Đại học California, Berkeley và đồng thời là tác giả của cuốn sách Triết học trẻ em, một cuốn sách giúp khám phá thế giới nhận thức của trẻ sơ sinh. (Lấy ví dụ đơn giản, chim bồ câu cũng có thể nhận diện được những hình ảnh trên flash cards. “Điều này không hoàn toàn chính xác để đánh giá về mặt kỹ năng”, tiến sĩ Gopnik nhận định.)
Bà Pamela High, giáo sư lâm sàng của khoa nhi tại Đại học Brown ở Providence, Rhode Island, đồng thời là phát ngôn viên của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP), đồng ý. "Không có bất kỳ dữ liệu nào cho thấy những điều này giúp thúc đẩy sự phát triển của một em bé." Trên thực tế, AAP đưa ra khuyến cáo về việc cho không nên cho bé dưới 2 tuổi tiếp xúc với mọi loại màn hình (screen time). "Những gì bạn được khuyến khích là dành nhiều thời gian để đọc sách cho bé nghe, trò chuyện và chơi đùa cùng bé”, Bà nói.
Tin vui cho chúng ta là mỗi em bé luôn sở hữu một trí thông minh nhất định ngay từ lúc mới sinh. Các em bé có khả năng quan sát và học hỏi những thông tin quan trọng và các kiến thức cơ bản về hình học, vật lý và tâm lý học, chỉ bằng cách khám phá những gì diễn ra xung quanh.
"Chúng tôi nghĩ rằng các em bé giống như một tờ giấy trắng, và chúng ta có thể giúp cho bé tiếp thu càng nhiều thông tin càng tốt.", Cô Hirsh-Pasek nói. "Theo cách bình thường, môi trường vừa học vừa chơi có những đồ vật và hành động, những cái ôm, những nụ hôn và sự giao tiếp hai chiều sẽ dạy bé tất cả những gì bé cần biết". Đơn giản chỉ cần ngồi vào bàn ăn, bé cũng có vô vàn những điều quan trọng cần học. "Bé đang học cách nhìn vào mắt mọi người, nghe tiếng va chạm của bát đĩa trên bàn, nhận biết màu sắc của các loại thức ăn khác nhau, và lắng nghe cách những người xung quanh giao tiếp." Chúng ta gọi đó là những bài học từ cuộc sống.
BỘ NÃO SƠ SINH
Cô Karen Walsh, một nhà môi giới bất động sản tại Ladera Ranch, California kể rằng, thời gian đầu khi đưa em bé Claire mới sinh về nhà, bé đã quấy khóc và không tài nào ru bé ngủ được. Mẹ cô cho rằng, bé có thể đang bắt đầu chán. Cô đã thốt lên: “Làm sao có thể được, bé chỉ mới mười ngày tuổi thôi mà!” Nhưng bà ngoại đã bế bé lên, đi vòng quanh phòng và chỉ cho bé về mọi thứ: Đây là chiếc ghế, đây là một bông hoa… Bạn đoán được kết quả không? “Bé thực sự thích điều đó”. Cô cười “Claire đã tỏ ra rất tập trung, và sau đó bé bắt đầu thấm mệt và dễ dàng đi vào giấc ngủ.
Hàng trăm năm qua, các nhà khoa học đã cho rằng nhận thức của trẻ sơ sinh vẫn còn ở mức độ sơ khai. Tuy nhiên, trong hơn bốn thập kỷ sau, khi ngành khoa học nghiên cứu về nhận thức của trẻ đã bắt đầu phát triển mạnh, các công trình đã chứng minh rằng “Các em bé thật sự vô cùng thông minh”, ông Hirsh-Pasek, tác giả của nhiều quyển sách nói về phát triển của trẻ em, đặc biệt là giải thưởng “Einstein chưa bao giờ sử dụng Flash Cards” nhận định. "Các em bé đã thu nhận tất cả thông tin và xử lý các dữ liệu này”. Bé Claire và Lulu không chỉ quan sát một cách thụ động, mà bé còn rất tích cực phát triển các khớp thần kinh mà bé sẽ sử dụng sau này để hiểu được ngôn ngữ, hình học và cả tâm lý con người.
Kết cấu bộ não của trẻ sơ sinh là một hệ thống kết nối phức tạp của hàng tỷ tế bào, thường gọi là nơron thần kinh. Bạn hãy liên tưởng đến đường ray của một chiếc xe lửa đồ chơi nằm giữa các đồ vật hỗn độn trên sàn nhà. Khi bé có được những trải nghiệm mới, các tế bào thần kinh này sẽ phản ứng và gửi tin nhắn cho nhau thông qua các “khớp thần kinh” (synapses).
Hãy hình dung ra một cách liên kết khác. Khi các cảm giác này được lặp lại (giọng nói êm dịu của người mẹ, cảm giác nhẹ nhàng êm ái khi chạm vào một chiếc chăn bông) các khớp thần kinh này một lần nữa lại được củng cố chặt chẽ hơn (thêm một đoạn đường ray được kết nối với nhau).
Vô số các kết nối được tạo ra trong suốt 6 tháng đầu đời của bé. Ở một vài tuần đầu tiên, bé sẽ bắt chước những biểu cảm trên gương mặt người mẹ. Tiến sĩ Gopnik viết trong quyển sách “Triết học trẻ em” rằng, có những dấu hiệu cho thấy bé không chỉ nhận biết và bắt chước các cảm xúc trên gương mặt bạn, mà bé còn tự mình cảm nhận và thực sự trải nghiệm chính các cảm xúc đó.
Khi bé cười, nghĩa là bé thực sự đang cảm nhận được niềm vui. Tại thời điểm này, bé đang thực tập nỗ lực đầu tiên của mình về mặt ngôn ngữ. “Bắt đầu từ khoảng 3 tháng tuổi, bé sẽ hiểu rằng nếu bé thì thầm, sẽ có ai đó phản hồi lại”, ông Hirsh-Pasek nói. Bạn muốn phát triển kỹ năng giao tiếp của bé rõ nét hơn? Hãy thì thầm lại với bé. Sự tương tác hai chiều đơn giản này sẽ dạy bé về kỹ năng cho và nhận, một kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.
Từ 6 tháng đến 1 tuổi: Giai đoạn bé tiếp nhận thông tin về thế giới xung quanh
Nếu như trong sáu tháng đầu tiên, bé sắp xếp và xử lý một lượng lớn các thông tin giống như một chiếc máy tính IBM cỡ lớn, thì trong vòng sáu tháng sau, bé sẽ bắt đầu nghiên cứu các xu hướng trong dữ liệu đó. Tại thời điểm này, bé sẽ dự đoán trước được những phản ứng từ mẹ, đồng thời khám phá ra những phản ứng của mẹ với một nụ cười âu yếm. Đó là một sự thay đổi tinh tế từ giai đoạn bắt chước ở sáu tháng đầu đời. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự hiểu biết của bé ở một mức độ cao hơn. Bé sẽ nhận ra những ý nghĩa khác nhau ở lời nói và ngữ điệu (chẳng hạn như khi nào mẹ nói “không” có nghĩa là “đừng bao giờ nghĩ về chuyện đó nữa”, và khi nào chỉ đơn giản có nghĩa là “hãy cẩn thận”). Bé có thể cảm nhận và phân biệt những giai điệu vui tươi hoặc trầm buồn, đồng thời cũng ý thức về những nề nếp sinh hoạt riêng trong cuộc sống của mình, chẳng hạn như giờ ăn.
Đây cũng là thời điểm bé bắt đầu khám phá về tác dụng của lời nói. Vào khoảng 9 tháng tuổi, các khớp thần kinh của não bộ sẽ trở nên hài hòa với một hoặc nhiều ngôn ngữ cụ thể. Và khi đó, bé sẽ bắt đầu bập bẹ những lời nói đầu tiên. Tiến sĩ Jane M. Healy, nhà tâm lý học giáo dục và tác giả của quyển sách “Sự phát triển nhận thức của con bạn” nhận định: “Các bài hát đồng dao, trò chơi vỗ tay theo nhịp, trò chuyện và chơi ú òa với bé sẽ giúp bé tìm thấy niềm vui trong ngôn ngữ”. Cô cũng đề cao sự tương tác giữa cha mẹ và bé để giúp phát triển kỹ năng này.
Valerie Tunks Arlington, Virginia, mẹ của cặp song sinh 10 tháng tuổi Gabe và Liv chia sẻ: "Nếu tôi thấy các bé đang thích thú với quả bóng, tôi sẽ nói với bé rằng: Ôi, con muốn chơi bóng ư? Và rồi tôi sẽ nói chuyện với bé về màu sắc và hình dạng của những quả bóng”. Đối với các cặp song sinh, những tương tác này chính là những bài học thực tế giúp bé phát triển vốn từ, hình dạng và màu sắc. Điều này cũng có tác động tương tự đối với người lớn. Bạn có thể đọc toàn bộ những thông tin về Grand Canyon, nhưng nếu nhìn từ góc độ khách quan, bạn sẽ thẩm thấu những trải nghiệm này một cách sâu sắc hơn.
Năm thứ Hai: Giao Tiếp và Tưởng Tượng
Trong năm thứ hai, trẻ sơ sinh sẽ phát triển mạnh mẽ về khả năng giao tiếp. Tròn một tuổi, bé có thể hiểu được những từ ngữ mà người khác nói. Khi 18 tháng tuổi, nhiều bé đã bắt đầu nói những câu ngắn với hai hoặc nhiều từ hơn. Năm lên hai, các bé đã có thể tham gia vào các cuộc trò chuyện ngắn, học cách thay phiên đặt câu hỏi và trả lời. Tóm lại, các em bé liên tục nói liếng thoắng bằng một loại ngôn ngữ mà thường chỉ có cha mẹ mới hiểu được.
Ngoài những kỹ năng ngôn ngữ quan trọng, bé cũng bắt đầu thực sự hiểu được nguyên nhân mọi người tương tác với nhau. Nói cách khác, bé đang dần hình thành ý thức về các ngôn ngữ không lời. Điều này là khi bé phát triển một ý thức rõ ràng về bản thân và có thể tự nhận ra hình ảnh phản chiếu của mình trong gương, Hirsh-Pasek nói. Đáng chú ý nhất, bé tìm hiểu để đọc được các ngôn ngữ không lời một cách tinh tế, chẳng hạn như biểu cảm của gương mặt. "Khi con trai 18 tháng tuổi của tôi làm điều gì đó nghịch ngợm, tôi sẽ nói “không” – Gopnik nhớ lại. Và để đáp lại, bé đã nở một nụ cười rạng rỡ nhất. Nếu bé thấy tôi mỉm cười lại, khi các khóe môi của tôi nhếch lên dù chỉ một chút – bé sẽ ngầm hiểu rằng đó là dấu hiệu cho phép bé tiếp tục việc làm đó. Vào thời điểm 18 tháng tuổi, con trai của Gopnik đã hiểu rằng nếu mẹ đang mỉm cười, có nghĩa là mẹ không thể giận mình được.
Một quá trình năng động khác diễn ra như khi bé được 24 tháng là sự phát triển trí tưởng tượng. Bé bắt đầu giả vờ chơi với một người bạn vô hình nào đó, hoặc áp một khối đồ chơi lên tai để giả vờ làm điện thoại. Đôi khi điều này có vẻ ngớ ngẩn, nhưng đây thực sự là một biểu hiện hết sức tinh vi của trí thông minh, khả năng tưởng tượng ra những vật không hề tồn tại. "Bé đang khai thác các cách khác nhau mà thế giới có thể vận hành, không chỉ là bản chất của sự vật" Gopnik nói. Bằng trò chơi đóng kịch, một em bé đang học cách đổi mới, một trong những khía cạnh được đánh giá cao nhất của trí thông minh con người.
NHỮNG CÔNG CỤ
Để nuôi dưỡng những kỹ năng này, các chuyên gia khuyên bạn nên cho bé chơi với những đồ chơi giúp phát huy tính sáng tạo: các hình khối lắp ghép, đồ chơi phân loại các hình dạng, thậm chí các loại xoong chảo của nhãn hiệu đồ gia dụng Tupperware. "Chúng ta đều biết những cách suy nghĩ theo lối mòn. Thay vì tặng cho bé một chiếc máy tính, bạn chỉ cần mang cho bé một chiếc hộp và để trí tưởng tượng của bé làm phần còn lại”, Healy nói. Bé có thể thu thập các thông tin bên trong chiếc hộp. Bé có thể nghĩ rằng đó là một ngôi nhà, làm thành một đường hầm để chui qua hoặc ngồi lên như đang cưỡi ngựa. Phương pháp này sẽ đặt nền tảng cho việc phát triển tư duy của bé ở bậc cao hơn. Nhưng điều quan trọng nhất là đừng giới hạn sự vui chơi của bé. "Cho bé thấy những trải nghiệm thú vị và để bé thực hành điều đó", Healy lưu ý.
Điều này có vẻ trái ngược với quy luật hướng về mục tiêu trong xã hội mà chúng ta thường thấy. Tuy nhiên, bí quyết để nuôi dưỡng trí thông minh của một đứa trẻ thật ra rất đơn giản: Hãy cùng trò chuyện với bé, nuôi dưỡng bé trong một môi trường an toàn mà bé có thể tự khám phá thế giới của mình. “Sự thật là, cha mẹ chính là đồ chơi giáo dục tốt nhất cho con trẻ", ông Gopnik nói.