Nước ối là một môi trường giàu chất dinh dưỡng, có khả năng tái tạo và trao đổi, nó giữ một vai trò quan trọng đối với sự sống và phát triển của thai nhi trong tử cung. Thành phần hóa học của nước ối chủ yếu là nước (97%) ngoài ra còn có muối khoáng, các chất hữu cơ, các chất điện giải, các hormon.
Nước ối được sản sinh ra do thai, do màng ối, do tuần hoàn máu mẹ. Nước ối bảo vệ cho thai đỡ bị sang chấn, nhiễm trùng, giữ cho dây rốn khỏi bị khô. Trong chuyển dạ đẻ, nước ối giúp cho xóa mỡ cổ tử cung. Ối vỡ đúng lúc giúp cho cuộc đẻ dễ dàng hơn.
Nước ối là gì? Sự thật nói theo cách dễ hiểu nhất, sẽ là:
Nước ối chính là nước tiểu. Vâng, bạn không nghe lầm đâu – thành phần chủ yếu của nước ối chính là nước tiểu. Điều này nghe có vẻ khó tin nhưng nó lại là sự thật. Khi chất lỏng đầu tiên bắt đầu hình thành bên trong túi ối (một vài tuần sau khi thụ thai), nó chủ yếu được làm bằng chất dịch cơ thể của chính bạn.
Nhưng khi thận của em bé hình thành và bắt đầu hoạt động – bằng cách thải ra nước tiểu (sớm nhất là 11 tuần), những chất lỏng mới này bắt đầu quá trình xây dựng để làm lớp đệm và bảo vệ cơ thể đang phát triển của em bé. Sau khoảng tuần thứ 20, nước ối chủ yếu là nước tiểu. Nước ối giúp thai nhi an toàn trong trường hợp bạn bị té ngã.
Ngoài ra, nước ối còn giúp đẩy tử cung lên cao để cung cấp cho bé nhiều không gian hơn (cho phép bé cử động các chi nhiều hơn), giúp bé học cách thở và nuốt, cũng như góp phần bảo vệ bé bằng cách ngăn chặn sự phát triển của một số loại vi khuẩn. Bên cạnh đó, nước ối còn cung cấp sự ổn định nhiệt độ và là sự hiện diện cần thiết bảo vệ thai nhi trong khi đường thở còn non nớt. Có thể nói, nước ối giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp kích thích sự phát triển của phổi.
Vào đầu tam cá nguyệt thứ hai có 50cc chất lỏng trong túi ối, chất lỏng này không khác nhiều so với huyết tương của thai nhi. Vào tuần thứ 36, thường có khoảng 1 lít nước ối, nhưng lúc này, thành phần chủ yếu của nước ối chính là nước tiểu bào thai. Ngoài nước tiểu bào thai, nước ối còn chứa các tế bào da cũ của thai nhi (tương tự như việc chúng ta loại bỏ da chết trên cơ thể), hóa chất từ phổi (thường hóa chất này giúp bác sĩ có thể phát hiện dấu hiệu trưởng thành của phổi).
Bên cạnh đó, nước ối còn chứa thêm natri, kali và các chất điện giải khác (những chất này là một phần trao đổi giữa hai thực thể – mẹ và con). Bình thường, nước ối có màu trong, mùi hôi tanh, có tính hơi kiềm. Chọc hút ối trong chuẩn đoán trước sinh giúp các bác sĩ có thể kiểm tra một số rối loạn di truyền của thai nhi qua phân tích nước ối.
Vì vậy, bạn có thể thấy rằng nước ối không chỉ được làm bằng một chất đặc biệt, mà là sự tổng hợp của nhiều chất. Và tùy thuộc vào giai đoạn bạn đang mang thai, sự tạo thành nước ối có thể khác nhau.
Xem thêm:
Chỉ số nước ối là gì?
Thông thường, lượng nước ối tăng dần theo tuổi thai. Ở 20 tuần tuổi, lượng nước ối vào khoảng 350ml, sau đó tăng lên 670ml vào 25 – 26 tuần. Thời điểm 32 – 36 tuần, lượng nước ối tăng thêm đến khoảng 800ml hoặc cao hơn, đến tuần 40 – 42 giảm xuống còn khoảng 540 – 600ml. Đây là khoảng thời gian mẹ bầu sẽ có những dấu hiệu chuyển dạ. Do đó, bác sĩ cần nắm chỉ số nước ối để theo dõi tình hình sức khỏe của thai nhi.
Chỉ số nước ối được ký hiệu là AFI. Để đo chỉ số này, bác sĩ sẽ thực hiện theo thủ thuật sau: Lấy rốn làm mốc, chia bụng làm 4 phần với 2 đường dọc ngang. Ở mỗi phần, chọn ra túi ối sâu nhất để đo chiều dài. Cộng 4 chiều dài này lại sẽ ra chỉ số ối AFI. Dựa vào bảng chi tiết sau đây, bạn có thê biết chỉ số nước ối của mình bình thường hay bất thường:
Mức độ |
AFI (cm) |
Lưu ý |
Bình thường |
6 – 18cm |
Mẹ bầu có thể yên tâm với chỉ số này. |
Dư ối |
12 – 25cm |
Dư ối nằm trong chỉ số này vẫn ở trong hạn mức an toàn, do đó mẹ bầu không cần quá lo lắng. |
Đa ối |
>= 25cm |
Với kết quả đa ối, mẹ bầu phải đối diện với rất nhiều biến chứng thai kỳ như vỡ ối sớm, sinh non, nhau bong non, băng huyết sau sinh. |
Thiểu ối |
<= 5cm |
Thiểu ối thường đi kèm với nguy cơ cho cả mẹ bầu lẫn thai nhi: Tăng tỷ lệ sinh mổ, tăng tỷ lệ suy thai và dị tật thai nhi. |
Vô ối |
<3cm |
Thiếu ối dẫn đến vô ối có thể dẫn đến thai chết lưu hoặc sinh non. |
Đa ối là gì?
Nước ối quá nhiều gọi là đa ối (lượng nước >= 2000ml khi đủ tháng). Đa ối thường gặp do các nguyên nhân sau:
- Bệnh lý của mẹ: Tiểu đường, bệnh thận, rối loạn huyết áp khi mang thai, tiền sản giật…
- Bệnh lý của thai: Thai dị dạng, phù rau thai.
- Đa ối do nhiễm khuẩn: viêm màng ối, viêm mạc tử cung khi có thai…
- Đa ối không rõ nguyên nhân chiếm khoảng >=30%.
Dấu hiệu thường gặp trong đa ối: Tử cung to nhanh, căng bóng, người mẹ đi lại khó khăn, khó thở, phù hai chân. Siêu âm nước ối nhiều, chiều dàu nước ối >=80mm.
Hậu quả của đa ối: Gây đẻ non, gây ối vỡ sớm, băng huyết sau đẻ do đờ tử cung. Tỷ lệ tử vong còn thường cao do đẻ non, dị dạng…
Thiểu ối là gì?
Nước ối ít được gọi là thiểu ối (lượng nước ối ít hơn 500ml khi thai đủ tháng). Thiểu ối là lượng nước ối ít hơn số lượng nước ối tương đương với tuổi thai.
Nguyên nhân thiểu ối: Do thai thiếu oxy kéo dài, thai bất thường do dị dạng hệ tiết niệu. Thiểu ối cũng có thể do rỉ ối, do thai quá ngày sinh.
Biểu hiện của thiểu ối: thường thầm lặng, tử cung nhỏ hơn tuổi thai, thai chậm phát triển. Siêu âm nước ối ít hơn tuổi thai. Có thể dựa vào đo chỉ số nước ối. Nước ối ít khi chỉ số nước ối <=40mm. Chỉ số nước ối rất quan trọng khi thai quá ngày sinh.
Hậu quả của thiểu ối: Thai suy dinh dưỡng và kém phát triển trong tử cung, thai chết trong chuyển dạ hoặc sau đẻ, thai chết lưu.
Bệnh lý về nước ối do nhiều nguyên nhân gây nên và vẫn còn > 30% nguyên nhân chưa tìm thấy. Việc can thiệp của bác sĩ để có 1 lượng nước ối thích hợp cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị nào đặc hiệu. Điều trị cho những thai phụ bị đa ối, thiểu ối tùy thuộc vào tuổi thai, bệnh lý của thai, mức độ của nước ối và và chủ yếu là điều trị triệu chứng.
Phòng bệnh chủ yếu là ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ: Điều trị các bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh thận viêm nhiễm đường sinh dục… trước khi có thai. Nên khám thai, theo dõi sự phát triển của thai thường xuyên theo định kỳ để giúp phát hiện sớm những bất thường của thai nghén trong đó có đa ối, thiểu ối để có xu hướng xử trí kịp thời.