Chị Nguyễn Ngọc Luân, giảng viên một trường đại học ở Hà Nội đã cho con gái ăn cơm nát từ khi 6 tháng tuổi. “Không ai đau dạ dày vì ăn uống. Mình đã nghiên cứu kỹ tài liệu của nước ngoài rồi, trong dạ dày có men tiêu hóa sẽ tiêu hóa được hết đồ ăn trong đó”, chị Luân lý luận.
Thời điểm cho trẻ ăn dặm lý tưởng là từ 5-6 tháng tuổi.
Không ăn thì nhịn, đói quá sẽ ăn (!?)
Không chỉ khiến hàng xóm ở tổ 22 Cầu Diễn kinh ngạc về chuyện cho con gái ăn cơm nát từ khi bé mới 6 tháng tuổi, chị Luân còn khiến hàng xóm phát hoảng vì việc bỏ đói con mỗi khi cô bé không chịu mở miệng ăn cơm.
Vì Luân là hàng xóm nên người viết bài quyết định đến tận nơi để “mục sở thị” bữa ăn của bé Nhím. Đồ ăn của Nhím được mẹ chuẩn bị gồm: Một bát đựng cơm nát, một bát thịt xay nhỏ nấu loãng với bột sắn dây và một bát đựng rau xay. Chị Luân lấy một bát để không, xúc một thìa thịt nấu loãng với bột sắn rồi lấy một ít cơm, một ít rau trộn lẫn vào nhau đút cho Nhím ăn. Mấy miếng đầu trộn loãng, chủ yếu là nước bột sắn bé Nhím ăn thun thút. Nhưng mấy miếng sau chị Luân cho ăn “tăng tốc” đặc hơn khiến bé ậm ọe trớ ra, khóc không chịu ăn. Chị Luân không dỗ, tiếp tục đút cho con ăn đến lúc bé khóc lớn không chịu mở miệng nữa mới thôi.
Chị Luân nói giọng kiên quyết: “Không ăn thì nhịn, lúc đói quá nó sẽ ăn”. Thấy vậy tôi bảo: “Cháu còn nhỏ quá cho ăn cơm nát thế sẽ tăng sức ép cho dạ dày, không tốt cho em bé”. Không ngờ, chị Luân nói tỉnh queo: “Không ai đau dạ dày vì ăn uống đâu ạ. Mình nghiên cứu kỹ rồi, trong dạ dày có men tiêu hóa, nó tiêu hóa được hết. Mình đã cho bột sắn dây nấu loãng nó trơn, trôi được qua cổ họng, chỉ có điều con bé này lười ăn quá”.
Bé nhím bây giờ đã 11 tháng nhưng chỉ nặng khoảng 7kg, mặt lúc nào cũng kém tươi, nhìn đến tội. Cách đây 3 hôm, bà giúp việc của chị Luân cho biết: “Sáng nay tôi và mẹ nó đưa con bé đi khám dinh dưỡng, bác sĩ cho biết nó bị suy dinh dưỡng độ 2, khiến cả nhà phát hoảng. Chắc là tại cách cho ăn của mẹ nó khiến con bé không nuốt nổi. Khổ nỗi, nó không ăn được mẹ nó không ép ăn, cũng không chịu thay đổi cách nấu nướng. Hễ ai góp ý thì mẹ nó lại bảo: “Đó là cách chăm sóc con kiểu nước ngoài. Có vậy thì con nó mới nên người được”(?).
Từ chuyện chăm con của chị Luân, không ngờ nhóm các bà nội, bà ngoại và những người trông trẻ trong khu chung cư Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội mới nảy sinh ra chuyện có thêm nhiều bà mẹ khác thích chăm con theo kiểu “sính ngoại” như thế.
Bà nội cu Bi mở lời trước: “Thằng Bi nhà tôi sinh ra đã “chẳng đủ ăn” vì mẹ nó không cho nó bú mà cho ăn sữa ngoài. Khổ nỗi cái núm ở bình cứng nên thằng bé không mút được cứ khóc ngằn ngặt mà con mẹ nó vẫn trơ mặt ra nhìn, cương quyết không cho con bú. Nhiều lúc tôi điên lên, chửi cả hai vợ chồng thì con vợ lúc thì lý do không có sữa, núm ti tụt vào trong nên không cho con bú được; lúc thì cãi chày cãi cối là đang nuôi con theo kiểu khoa học, ở nước ngoài phần đa họ có cho con bú đâu mà trẻ con vẫn khỏe mạnh. Rồi con dâu vào mạng lôi ra các tài liệu (blog) bạn bè đang du học ở nước ngoài khoe con nuôi theo kiểu tây (cho uống sữa ngoài) vừa nhàn hạ, đứa trẻ lại phổng phao. Thằng chồng đọc xong còn hùa theo: “Thảo nào trước đây người Nhật thấp hơn mình, thế mà bây giờ thanh niên Nhật chả thấy ai lùn cả. Hoan hô vợ”- nghe mà tức lộn ruột”, bà nội cu Bi ca thán.
Bà ngoại bé Bống lại bô bô kể: “Thằng Bi còn bú được hơn 3 tháng còn con Bống cháu tôi mới sinh được 3 tháng nhưng mẹ nó cũng không cho bú nữa mà cho uống sữa bột kèm ăn dặm. Thương cháu mà tôi nói chẳng được. Mẹ nó bảo, con cho cháu tập ăn dặm cho quen để con còn đi làm, không nó bị đói. Cứ mỗi lần con bé “chê” sữa, mẹ nó lại bảo: “Chắc nó chán sữa, thèm ăn bột rồi đấy”. Thế là con bé bị chuyển sang ăn bột luôn”.
Trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa
Theo ThS. Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Khám, tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trẻ ăn dặm sớm tuy bụ bẫm nhưng có thể suy dinh dưỡng. Vì ăn bột làm bé no bụng, gây giảm cảm giác thèm bú, dẫn tới kém bú. Trong khi bột và những chất dinh dưỡng khác nấu cùng như trứng, thịt, tôm, cá… không thể đáp ứng nguồn dinh dưỡng dồi dào cho sự phát triển của bé như sữa mẹ. Nếu bú kém, ăn bột nhiều dễ gây hiện tượng bụ bẫm, nhưng thực ra bé lại suy dinh dưỡng, còi xương do thiếu chất. Với những bé cơ địa dễ dị ứng, nếu cho ăn dặm sớm còn làm tăng nguy cơ dị ứng ở bé, hay đau bụng và tăng tỷ lệ bị bệnh chàm. Thời điểm ăn dặm lý tưởng là từ 5-6 tháng tuổi.
Cũng theo ThS. BS Lê Thị Hải, đối với trẻ từ 6-8 tháng tuổi bắt đầu mọc răng sữa và cử động nhai cắn cũng xuất hiện. Nhưng ngay thời điểm này, đã cho con ăn cơm nát thì quá sớm, quá liều lĩnh. Chỉ nên cho trẻ ăn cơm nát khi trẻ được 2 tuổi là thích hợp nhất. Vì lúc này trẻ đã biết cắn nhai nghiền nát thức ăn trước khi xuống dạ dày. Nếu cho trẻ ăn cơm sớm thì trẻ sẽ nuốt chửng không nhai. Trong khi đó, việc nhai thức ăn được trộn với nước bọt làm cho sự hoạt động của men amylaza tiêu hoá các chất tinh bột (ở giai đoạn đầu). Nhiều nghiên cứu cho thấy lượng tinh bột không được tiêu hoá có thể làm ảnh hưởng tới sự hấp thu của các chất dinh dưỡng khác. Điều này cũng khiến trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa dẫn đến hiện tượng đi ngoài hoặc táo bón.