Làm Gì Khi Trẻ Chậm Nói
Cùng với sự tràn lan của các thiết bị công nghệ- điện tử, tình trạng trẻ em chậm phát triển ngôn ngữ cũng dần phổ biến. Trẻ trở nên lì hơn, chậm nói hơn khiến bố mẹ rất lo lắng. Làm sao để giúp trẻ chậm nói nhanh biết nói? Điều trị theo hướng nào là hiệu quả? Tôi không có quá nhiều thời gian đưa con đến trung tâm hoặc lịch học ở trung tâm vẫn còn quá ít là những câu hỏi phụ huynh rất quan tâm. Trong bài viết này cungconkhonlon.net xin gợi ý tới quý phụ huynh cái nhìn toàn diện về cách điều trị và phương pháp dạy trẻ chậm nói tại nhà.
Phương pháp dạy trẻ chậm nói tại nhà
1. Nói chuyện với trẻ nhiều hơn
Bố mẹ nên dành khoảng 1 tiếng sau bữa ăn và trước khi đi ngủ để trò chuyện với bé. Bố mẹ nên kể cho trẻ nghe những công việc đã làm trong ngày, điều gì khiến bố mẹ thích nhất và gợi ý trẻ nói về một ngày của trẻ. Thái độ nói chuyện phải hào hứng, thực sự quan tâm tới trẻ, thỉnh thoảng, bố mẹ nên nhắc lại một số từ mà trẻ đã nói để trẻ thêm hứng thú.
2. Dạy trẻ nói về những từ vựng về thế giới xung quanh
Xung quanh chúng ta là vô vàn danh từ, hành động,… Chúng là kho từ vựng vô hạn để cha mẹ nói với con mình. Cha mẹ hãy tận dụng những lúc bên con để dạy trẻ, chẳng hạn những danh từ cơ bản: cái bàn, cái ghế, gói mì tôm, chảo, xoong, khăn, đi chợ, … Thời gian đầu bố mẹ đưa khái niệm; khi trẻ đã quen với khái niệm, bố mẹ nên tăng lên thành: cái gì để làm gì? Ví dụ: cái xoong để nấu cơm, cái chổi để quét nhà,…
3. Lồng ghép dạy ngôn ngữ vào các trò chơi với trẻ
Thích hợp nhất là mẹ sử dụng các bài đồng dao có sử dụng nhiều từ lặp lại để dạy bé. Chẳng hạn:
“Bồ các là bác chim ri
Chim ri là dì sáo sậu
Sáo sậu là cậu sáo đen
Sáo đen là em tu hú
Tu hú là chú bồ các
Bồ các là bác chim ri”
Hay:
“Vuốt ve em thân yêu
Em ở với ai?
Em ở với bà.
Bà gì? -Bà ngoại
Ngoại gì? – Ngoại xâm
Xâm gì? – Xâm lăng
Lăng gì? Lăng Bác
Bác gì? – Bác Hồ
Hồ gì? – Hồ nước
Nước gì? – Nước trong
Trong gì? – Trong vắt
Vắt gì? – Vắt sữa
Sữa gì? – Sữa bò
Bò gì? – Bò cái
Cái gì? – Cái áo!”
Ngoài ra, cha mẹ có thể tạo ra trò chơi “vượt chướng ngại vật” yêu cầu trẻ vượt qua vật cản để lấy những đồ vật có hình dạng và màu sắc mà bố mẹ đã nói và yêu cầu trẻ đọc to hình dạng và màu sắc của vật.
4. Đối với những trẻ luôn dùng hành động thay cho lời nói
Cha mẹ cần nhẹ nhàng khợi gợi trẻ nói ra ý muốn của mình. Chẳng hạn, khi trẻ muốn uống nước và kéo ngón tay cái của bố/mẹ hướng tới bàn uống nước, cha mẹ nên để con nắm lấy tay mình (điều này sẽ giúp trẻ không phản kháng mạnh mẽ hoặc khóc), hỏi trẻ những câu hỏi đóng nhưng bắt buộc có câu trả lời:
» Con muốn uống nước phải không nào?- Vâng
» Bố dắt con đến lấy nước có được không?- Có
» Con uống nhiều không con gái?…..
» ……
Nguyên tắc khi chữa trẻ chậm nói tại nhà
Nguyên tắc 1: Luôn hướng tới trẻ để đưa từ mới và giải thích
Nhiều bậc phụ huynh do đang “dở tay” nên khi trẻ hỏi về một điều gì đó thường vừa làm vừa nói. Điều này đối với trẻ phát triển bình thường có thể không ảnh hưởng nhiều nhưng với trẻ chậm nói thì nó không mang lại hiệu quả. Khi được trẻ hỏi bất cứ điều gì, cha mẹ nên dừng công việc, dành khoảng thời gian nhỏ để giải thích khái niệm với trẻ (bố mẹ nhớ nhìn vào mắt trẻ khi nói); sau đó, bố mẹ có thể nói với trẻ: bây giờ con sẽ quan sát bố/ mẹ làm nhé. Như vậy, bố mẹ vừa giới thiệu được từ mới hiệu quả, vừa không làm trẻ mất hứng lại không bị lỡ việc.
Nguyên tắc 2: Nói thật chậm, ngắn gọn
Trẻ chậm nói phản ứng cũng thường chậm hơn, do vậy, bố mẹ nên nói với trẻ thật chậm và ngắn gọn. Nên có sự tương tác hai chiều: bố mẹ hỏi- trẻ trả lời (dù chỉ là một từ “có” hoặc “không”), bố mẹ nói từ mới- trẻ nhắc lại,…
Nguyên tắc 3: Không lặp lại khi trẻ phát âm sai
Điều này đảm bảo trẻ sẽ luôn tự tin và cảm thấy yên tâm về phát âm của mình.
Nguyên tắc 4: Không nổi cáu khi trẻ không chịu nói
Nguyên tắc 5: Luôn tìm những câu khen ngợi phù hợp để khích lệ trẻ.
Mẹo dân gian chữa trẻ chậm nói
Theo kinh nghiệm của những bà, những mẹ thì việc trẻ chậm nói có thể chữa bằng những “mẹo” dân gian. Đối với trẻ chậm nói, người mẹ thường lẳng lặng đi ra chợ, đợi người ta đưa đồ ăn lên miệng thì lao ra cướp mang về cho đứa trẻ; hoặc, bôi rượu đậu đỏ phía trên lưỡi của trẻ thậm chí có người còn bắt con lươn sống quẹt ngang miệng trẻ và để cho trẻ cầm với mong muốn trẻ “chóng biết ăn/chóng biết nói/chóng biết gọi/chóng biết thưa”. Tuy nhiên, về mặt khoa học những điều này không mấy liên quan tới vấn đề chậm nói của trẻ và cho tới nay, cũng chưa ai kiểm chứng được hiệu quả của phương pháp này. Vậy, dạy trẻ chậm nói phải bắt đầu từ đâu?
Khi trẻ có những dấu hiệu của chậm nói như 18 tháng vẫn không thể nói được những từ đơn lẻ, không diễn đạt được ý muốn của bản thân, 2 tuổi mà vẫn sử dụng tay để ra hiệu, bố mẹ nên đánh giá lại năng lực ngôn ngữ, khả năng diễn đạt thì nên đưa trẻ đi khám. Mục đích của việc thăm khám nhằm tìm ra những bất thường về mặt cấu trúc cơ quan phát âm.