Khi khen con thông minh, bạn có thể đang thẩm thấu vào đầu trẻ ý nghĩ rằng đây là điều mà chúng có, chứ không phải là thứ mà chúng phải làm hoặc có thể đạt được, giáo sư tâm lý thần kinh Ian Robertson tại Đại học Trinity (Ireland) cho biết.
|
Ảnh: memorise.
|
Tất cả các bậc cha mẹ đều muốn con mình phát triển hết tiềm năng của chúng. Về mặt thành tựu học thuật, chỉ số IQ là quan trọng, nhưng nỗ lực và cá tính cũng đóng vai trò không kém. "Chỉ với chỉ số thông minh IQ khiêm tốn, nếu bạn kiên nhẫn và ham hiểu biết, bạn vẫn có thể đạt được thành tựu to lớn", chuyên gia Robertson nói.
Do vậy, sẽ là trở ngại lớn nếu kết luận rằng khả năng của một ai đó là bất biến. Nhà tâm lý Carol Dweck đã nhận định rằng kiểu suy nghĩ "đóng đinh" này thường khiến người ta cố gắng chứng minh sự thông minh của mình, và điều này có thể khiến họ lẩn tránh những tình huống có tính thách thức. Ngược lại là những người tin rằng các kỹ năng cơ bản có thể cải thiện được, và kiểu suy nghĩ "thay đổi tích cực" đó cần được dạy cho trẻ nhỏ.
Nghiên cứu của Dweck đã tập trung tìm hiểu tại sao người ta thành công và làm cách nào để nuôi dưỡng thành công. Trong cuốn sách How You Can Fulfil Your Potential của mình, bà lưu ý rằng hai vĩ nhân Leo Tolstoy và Charles Darwin từng được xem là những đứa trẻ bình thường khi còn thơ ấu.
Robertson cũng phản đối việc cha mẹ thực hiện các kiểm tra chỉ số IQ cho trẻ nhỏ. "Nói với trẻ chúng thông minh thực chất là bạn đưa đến cho chúng thông điệp rằng điều này là ngoài tầm kiểm soát của chúng. Nó có thể khiến một người, khi đối mặt với thất bại hoặc tình huống khó khăn, sẽ tự hoài nghi về mình và trở nên thoái chí", ông nói.
Nghiên cứu gần đây của Anh cho thấy gene quyết định khoảng 60% trí thông minh và kết quả học tập. Do vậy để tác động vào phần còn lại, chìa khóa là khuyến khích trẻ chuyên sâu vào những gì chúng làm tốt, và hỗ trợ chúng để giảm thiểu các điểm yếu.
Với trẻ nhỏ, các nghiên cứu cho thấy làm tăng chỉ số IQ của chúng không mang lại kết quả, vì nó thường trở lại ngưỡng trung bình sau vài năm. "Thay vào đó, hãy tập trung vào khả năng tự kiểm soát, hành vi và các mối quan hệ xã hội có thể mang lại lợi ích lâu dài", một nhà nghiên cứu cho biết.
Việc tập thể dục cũng làm tăng kết quả học tập của trẻ ở trường. "Ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy cơ thể cân đối và vận động thể chất có liên quan tới khả năng học tập", nhà nghiên cứu Charles Hillman tại đại học Illinois cho biết.