Cha mẹ không hiểu con
Những bậc phụ huynh ngày nay hiếm có ai dành nhiều thời gian chơi cùng con, học cùng trẻ và sẵn sàng làm bạn thân của trẻ. Mỗi người đều bận rộn với những căng thẳng trong công việc, tất bật trong dọn dẹp nhà cửa mà vô tình không để ý đến những hành động, thái độ, biểu hiện của con. Những điều này khiến người lớn không thể hiểu được tâm tư, tính cách trẻ ra sao mà đã áp đặt và luôn coi con cái là chỗ để trút bỏ bực dọc, luôn muốn con ngoan ngoãn nghe lời như robot. Việc này là hoàn toàn không thể, bởi trẻ cũng là con người có tâm tư cảm xúc và suy nghĩ. Chỉ cần mỗi khoảnh khắc cha mẹ để tâm một chút tới con thì sợi dây kết nối sẽ được thiết lập, việc con không nghe lời sẽ có cách giải quyết thuận tình.
Quá nghiêm khắc với trẻ
Các bậc phụ huynh thời nay rất quan tâm đến vấn đề giáo dục con, nhưng cũng rất nhiều người đã bỏ qua những chi tiết quan trọng trong phương pháp giáo dục con mình. Từng độ tuổi sẽ áp dụng với từng tính cách ra sao, mỗi con người là mỗi cá thể riêng biệt mang dấu ấn khác nhau, không thể bê một mô hình hay một lý tưởng áp dụng vào tất cả chúng. Nhiều cha mẹ không biết chỉ khi mới lên 3 tuổi, trẻ đã có những suy nghĩ độc lập, tự tin, tự tôn cá nhân riêng biệt. Nếu cha mẹ không để ý đến những thay đổi nhỏ đó, vẫn bảo vệ và quản thúc trẻ sẽ gây ra một loạt tác động tiêu cực.
Quá nuông chiều bé
Tâm lý chung của người lớn là “con còn nhỏ chưa biết gì cả” kéo theo một loạt những hành động nuông chiều sai lầm. Cha mẹ đáp ứng tất cả những yêu cầu, ngay cả những yêu cầu vô lý, ngang ngược. Điều này tạo cho trẻ một thói quen xấu và khi lớn lên trẻ rất khó thay đổi. Trẻ sống phụ thuộc, quen lối sống hưởng thụ, lớn lên bị mất đi những kỹ năng sống như: sự sáng tạo, chăm chỉ, tham vọng, tự lập. Hơn thế còn trở nên kiêu căng, ngang bướng, hay đòi hỏi. Và trước mắt là việc những em bé được nuông chiều sẽ có tâm lý mình là nhất, không cần nghe người khác.
Thay con làm tất cả
Sống hộ cho con là một cách nói hơi cường điệu nhưng không phải vô thực. Có nhiều bậc cha mẹ vô tình khiến con trở thành “gà công nghiệp”. Bởi tâm lý lo lắng sợ trẻ không tự làm được, sợ trẻ vất vả hay mất thời gian học tập làm cho nhiều bậc phụ huynh luôn làm thay con tất cả mọi chuyện. Trong nhiều gia đình trẻ học đến cấp 3 nhưng cũng chưa biết cách đi xe đạp, chưa biết phụ giúp bố mẹ những việc vặt như dọn dẹp nhà cửa, thậm chí quần áo cũng không biết tự gấp. Những chú “gà công nghiệp” này thường có tâm lý ỷ lại, lười nhác và không nghe lời khi thói quen cũ bị thay đổi.
Dùng bạo lực
Đánh đòn khi con không nghe lời là phương pháp dạy con đã trở thành nét văn hóa của chúng ta. Quen thuộc đến mức người ta vẫn nói “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Song, trên thực tế cuộc sống hiện đại với nhiều phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho con, người Nhật không cần dùng đến đòn roi vẫn đứng số một về dạy con. Những trận đòn không chỉ gây ra đau đớn về thể xác mà còn để lại những hậu quả nghiêm trọng về tinh thần. Trẻ sẽ thấy căm ghét cha mẹ sau những trận đòn. Lâu dần, khoảng cách giữa trẻ và cha mẹ ngày càng xa, khó lòng rút ngắn lại được. Mặt khác những trận đòn diễn ra liên tục khiến trẻ nảy sinh ra tâm lý phản kháng bằng cách phản ứng ngược hoặc tỏ thái độ lì lợm.
Việc cha mẹ thường xuyên đánh đòn trẻ hay áp dụng những phương pháp giáo dục nặng hình phạt dễ khiến trẻ mất đi sự tự tin. Nhưng quá cưng chiều con lại là mũi giáo xuyên thẳng vào sự tự lập của con, điều này luôn làm con trở nên ương bướng hơn và không nghe lời. Việc tránh những yếu tố tạo nên sự ngang bướng của con là điều rất cần thiết khi cha mẹ muốn con nghe lời, và có những kỹ năng sống cần thiết