Phụ huynh đợi con ngày thi đầu tiên vào lớp 1 tại Trường tiểu học Nguyễn Siêu, Hà Nội - Ảnh: Tiểu Mã

Tôi là cô giáo tiểu học và cũng là phụ huynh, tôi nói rằng dạy viết chữ và giải toán cho trẻ con rất đơn giản. Những ông bố bà mẹ chỉ chăm chăm cho con luyện chữ đẹp, giải toán giỏi là những ông bố bà mẹ... lười.

Dạy chữ trước lớp 1 chỉ là một viên gạch

Vì chữ đã có chữ mẫu, nét nào cao bao nhiêu, rộng bao nhiêu, bút đi tới đâu thì cong, tới đâu thì hất... Có mẫu hết, cứ nhắm mắt mà đi theo khỏi nghĩ! Rồi toán lớp 1 cũng đơn giản lắm, cứ 2 + 2 = 4 cũng khỏi nghĩ, chắc chắn đúng!

Một hiệu trưởng trường tiểu học nói với tôi: "Kinh phí của nhà nước thì thấp, tôi muốn dạy các em kỹ năng sống, dạy làm việc nhóm, dạy làm người... tất cả những thứ tốt đẹp đó đều cần giáo viên giỏi và nhiều chi phí. Chỉ có dạy chữ là rẻ nhất trong các loại dạy!".

Nhìn ra thị trường sẽ thấy ngay, để cho con bạn biết viết và thậm chí viết đẹp, biết cộng trừ nhân chia, bạn chỉ cần bỏ ra 200.000-500.000 đồng/tháng cho con đi học thêm vài tháng là con thạo ngay. Nhưng với kỹ năng khác như tự chăm sóc bản thân hay rèn tính tự tin chẳng hạn, học phí sẽ tốn gấp cả chục lần! Chưa kể còn rủi ro là nếu ba mẹ không tạo môi trường để con rèn luyện thì chỉ một thời gian ngắn sau con lại bị về 0 trở lại.

Vậy mà tôi thấy quá nhiều cha mẹ ngồi bên cạnh con hằng đêm từ 4, 5 tuổi để rèn con từng nét bút, nhẩm từng con số, rồi mẹ la con khóc, cả nhà như có chiến tranh. Những thứ đó cô giáo lớp 1 chắc chắn sẽ dạy chính xác hơn bạn, nhiệt tình hơn bạn nữa (vì cô còn bị ràng buộc bởi chỉ tiêu thi đua mà).

Việc này cũng tương tự bạn dồn hết tiền của và công sức vào mua thật nhiều gạch rồi hi vọng sẽ có một tòa lâu đài. Giả sử việc ép bé học sớm có hiệu quả (bé viết đẹp, làm toán nhanh), tương tự như số lượng gạch bạn mua được rất nhiều. Nhưng một tòa nhà còn cần ximăng, cát sỏi, sắt thép, đá, gỗ... và cần kiến trúc sư.

Chưa kể sau khi bạn dồn hết tiền mua gạch thì mới biết quy hoạch khu đó chỉ cho phép dựng nhà gỗ! Nhiều cô giáo lớp 1 đã than phiền thà dạy một bé chưa biết gì hết còn hơn dạy một bé biết viết rồi, nhưng đã trót quen cách viết không đúng ý cô. Nếu xét về đầu tư kinh tế thì đầu tư vậy có đáng không?

Vào lớp 1 là bước ngoặt lớn trong đời

Về tâm lý lứa tuổi, việc bắt đầu đi lớp 1 là một cuộc cách mạng, là bước ngoặt lớn trong đời bé, đòi hỏi ba mẹ có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng và toàn diện.

Tiến sĩ Hoàng Minh Tố Nga, Trung tâm tâm lý Hồn Việt, nói: "Ở nhà nhất mẹ nhì con, giờ nhà nào cũng chỉ có từ 1-2 con, trong lớp sẽ toàn các vua và nữ hoàng chơi với nhau. Con sẽ phải tương tác với một xã hội mà ở đó không còn yêu thương vô điều kiện như ở nhà. Đừng thấy con mình đi học về viết đẹp, biết đọc là vội mừng, nhiều bé ra chơi toàn đứng một mình, nhiều bé khóc vì "không có ai chơi với con", "đi học con toàn bị ăn hiếp", "đi học không có vui gì hết".

Nguy hiểm nhất ở lớp 1 không phải là chưa biết viết, biết đọc, mà là không kết nối được với xung quanh, không biết cách bộc lộ cảm xúc, không biết tương tác, không biết cách sống cùng người khác". Mà tất cả những điều này đều cần dày công!

Mục đích học tập của lớp 1 là gì? Là con bạn biết đọc và biết viết, hay con ham học tập tìm tòi và sáng tạo? Để ý sẽ thấy cuối lớp 1 hầu như bé nào cũng biết đọc, biết viết. Nhưng có bao nhiêu nhà bố mẹ phải mỗi đêm kè kè bên bàn, la mắng, dùng roi, dùng hình phạt, hoặc dùng các phần thưởng để nhử con học? Bao nhiêu bé thật sự có động cơ học tập, biết học tập là việc của chính mình chứ không phải là học cho cha mẹ?

Cơ chế giáo dục phổ thông của nước mình đặc biệt so với nhiều nước tiên tiến khác là giáo viên không được tự ý điều chỉnh lịch giảng dạy! Tức tuần đầu tiên vào lớp 1, mặc kệ những bạn đã đọc thông viết thạo hay bạn chưa biết một nét nào, thì lớp 1 của cả nước đều bắt đầu học một bài giống nhau với thời lượng tương đương nhau. Tuần đầu tiên là cứ học nét cong, nét thẳng, nét hất chán chê, rồi sau đó thì ê a vài chữ cái.

Người lớn, dù đã biết cư xử, mà phải ngồi nghe sếp cứ ra rả nói những điều mình đã biết, còn muốn nổi điên. Huống chi các cô cậu 6 tuổi, quá trình hưng phấn mạnh gấp nhiều lần quá trình ức chế, ở nhà đã đọc ro ro, tính nhoay nhoáy, giờ cứ ngồi đợi cô dạy nét cong nét hất, ngồi vẽ chữ to đùng bốn li đúng như giáo án của Bộ GD-ĐT đề ra... Những bạn đã học trước rồi vào lớp thường rất nghịch phá, bướng bỉnh. Và hệ quả lại thường bị cô giáo la mắng, phạt.

Vậy là ngay những bước chân đầu tiên tới trường, bắt đầu một hành trình dài và quan trọng suốt đời là học hành, thì toàn thấy bị "hành", chả thấy "học" được cái gì mới mẻ, thú vị và hấp dẫn!

Hãy dạy những điều nhà trường bỏ trống

Cả hai con tôi hoàn toàn không đi học chữ trước. Nhưng không có nghĩa là tôi bỏ mặc con chơi với cái tivi suốt sáu năm rồi tới ngày 5-9 quẳng tọt vào lớp cho cô giáo. Tôi dạy con những thứ cần thiết để giúp cho việc dạy của cô.

Tôi dạy con cầm bút bằng cách tập vẽ, tập tô màu. Tôi tập cho con tập trung, trật tự bằng cách cho chơi xếp hình, ghép hình, bằng các trò chơi kéo dài 40 phút, một tiếng ở nhà. Tôi tập cho con tự chăm sóc bản thân, tự chải đầu, cột tóc, tự rửa mặt, biết đi vệ sinh. Tôi tập cho con cách thưa gửi, trình bày với cô giáo sao cho hiệu quả.

Có lần con tôi bị cô tịch thu quả bóng, nó tiếc lắm mà không dám xin lại. Tôi không đi xin hộ, chỉ đóng giả cô giáo để con tập khoanh tay, mặt mũi hối lỗi, nói đi nói lại một câu: "Cô ơi con xin lỗi! (dừng một chút), từ nay con sẽ không mang bóng tới lớp nữa ạ! (dừng một chút xem cô có nói gì không). Cô cho con xin lại quả bóng được không ạ?". Vì đã được tập nói ba, bốn lần trước với mẹ nên tới lớp con nói với cô rất đàng hoàng, không còn sợ nữa.

Và tôi không đợi để cô giáo bị sốc, bị thất vọng khi gặp con. Ngay khi cô giáo vừa nhận lớp, tôi đã gặp và trao đổi trước với cô rằng con tôi chưa học chữ nào. Khi cô giục tôi cho bé đi học thêm, tôi không đồng ý nhưng tôi chỉ nói: "Vâng, để từ từ gia đình thu xếp!". Tôi nghĩ đâu cứ nhất thiết phải đối đầu và gây thêm mâu thuẫn với cô giáo của con mình?

Mục đích học tập UNESCO gồm nhiều thứ lắm: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học tập để làm người". Vậy hãy để bài tập viết, tập đọc cho cô giáo lo. Hãy dạy những kỹ năng rất quan trọng khác đang bị nhà trường bỏ trống như thể thao, nghệ thuật, giao tiếp, cư xử, hiểu và định giá đúng bản thân... Hãy dành thật nhiều năng lượng, thời gian và tiền của bạn để bù đắp vào đó.

Đừng đua chen việc con hàng xóm biết đọc, biết viết trước làm gì. "Khi chúng ta lạc đường, càng tiến tới, chúng ta càng xa đích đến (Seneque – La vie heureuse).

Nhớ câu văn của nhà văn Thanh Tịnh: "Mỗi năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, lòng tôi lại man mác những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường". Cảm giác đó tuyệt vời lắm, thiêng liêng "ngàn năm hồ dễ mấy ai quên", tại sao không cho bé tận hưởng?

Đường học còn rất dài, còn suốt cả cuộc đời. Hãy để bé đặt bước chân khởi đầu vào lớp 1 bằng cảm xúc của sống trung thực, háo hức với những thử thách mới mẻ, kính trọng cô giáo vì ý nghĩa của việc đi học. Chứ dừng đẩy bé vào những giờ học cực hình, phải ngồi trật tự nghe lại những điều cũ kỹ mình đã lén học trước từ mấy tháng trước.