Hơn mười năm làm giáo viên và nghiên cứu về phương pháp giáo dục Steiner -cách giáo dục dựa trên cái nhìn sâu sắc về cuộc sống và bản chất con người, nhà giáo Nguyễn Thu Hương, Hà Nội, chia sẻ góc nhìn của chị về cách dạy con lớp một.

Mấy hôm trước, tôi nhận được tin nhắn lúc 10h đêm của một bà mẹ có con học cùng lớp một với con gái tôi: "Em ơi, bài tập của các con hôm nay thế nào nhỉ? Con nhà chị không nhớ, bố mẹ không biết kèm con học thế nào". Tối qua, 9h30, một mẹ khác cùng lớp con gọi điện cho tôi, câu chào hỏi đầu tiên có vẻ đầy dồn nén và như tìm kiếm đồng minh: "Em ở nhà có phải kèm con học nhiều không? Chị mệt quá, đi làm về muộn hôm nào hai mẹ con cũng đánh vật với nhau hơn một tiếng. Bố nó bức xúc lắm, mới lớp một mà học lắm thế". Tôi chân thành nói: "Em không kèm bao giờ vì việc học là của con, việc duy nhất em làm là nhắc con ngồi ngay ngắn nếu con ngồi chưa đúng tư thế. Buổi tối nhà em nhàn lắm, chỉ bận rửa bát thôi".

Tôi cũng kể với người mẹ rằng tôi chỉ hỏi con có cần học tối nay không nếu đến giờ học mà chưa thấy con ngồi vào bàn; việc có học hay không là do con quyết định theo công việc của con đã hoàn thành trên lớp hay chưa, tôi không ép học. Tôi thậm chí giới hạn giờ ngồi bàn học tối đa 15 phút để con tập trung không vừa học vừa ê a và hiểu đó là quyền lợi được học, tất nhiên sẽ thi thoảng có hôm con học quá chút vì chưa làm hết bài. Đó là một sự giới hạn ước lệ về thời gian. Thế là, được lời như cởi tấm lòng, chị buôn chuyện tiếp với tôi hơn 20 phút để hỏi làm sao được như vậy? Con tôi có phải là đứa trẻ đặc biệt không, vậy có bị cô nhắc nhở không? Bé có tài năng hơn các bạn không?

Câu chuyện đi xa hơn, chị hẹn tôi một buổi cafe để trao đổi. Tôi yêu cầu chị đưa ra các kỳ vọng trước, tôi sẽ tư vấn giải pháp sau bởi quan sát và trò chuyện với nhiều bố mẹ, tôi thấy dường như chính người lớn đang mâu thuẫn trong các kỳ vọng. Họ luôn tự đặt mình trong tình trạng không có giải pháp: muốn buổi tối về nhà con có thời gian vui chơi cùng gia đình nhưng cũng lại không thể chấp nhận được nếu con mình chẳng may không có thành tích gì nổi trội ở lớp. Bài toán của chị là: chị chỉ cần hết lớp một con biết đọc, biết viết, biết làm tính, không cần giải này đội tuyển kia, đi học con vui vẻ, không bị cô nhắc nhở nhiều.

toi-da-giai-thoat-ganh-nang-cho-con-lop-mot

Ảnh minh họa: MT.

Con chị và con tôi đang học một trường tư và có lẽ đó cũng là may mắn để có thể giải quyết bài toán này không quá khó. Tôi nhắn nhủ chị: chị biết con chị viết chậm hơn các bạn, vậy thay vì con cần hoàn thành cả một trang bài tập viết như tất cả học sinh trong lớp, chị nhờ cô kẻ một đường áng chừng con có thể hoàn thành tiếp khi về nhà trong vòng 15 phút. Tại sao thế? Vì với trẻ, việc hoàn thành công việc để hình thành thói quen và dần định hình tính cách là rất quan trọng. Cảm giác tự mình hoàn chỉnh được một sản phẩm, một yêu cầu cũng đem lại cho trẻ sự tự tin, đi học trong cảm giác háo hức vui vẻ thay vì cảm giác sợ sệt khi đến lớp, hay như con chị, lo lắng đến mức đang ngủ cũng bật dậy viết tiếp.

Tương tự như vậy, con chị tính chậm hơn các bạn thì chị nhờ cô giảm các bài tính toán quá khó với con. Một lớp học với ba mươi học sinh như các trường tư, chắc chắn các cô biết lực học của từng bé và làm giúp con được những thao tác nho nhỏ này.

Việc học tập ở tiểu học không nên quá căng thẳng, cũng đừng nặng nề chuyện biết đọc sớm hơn nhau vài tháng, tính giỏi hơn nhau vài phép tính. Nuôi dưỡng niềm yêu thích học tập quan trọng hơn rất nhiều, bởi con đường học tập còn dài lắm. Hơn thế, học không chỉ là để nắm giữ một vài khối lượng kiến thức hay kỹ năng để làm được một nghề nào đó, học và đặc biệt với học sinh tiểu học còn là để bồi đắp tâm hồn, nhân cách. Những câu nói tưởng như nói cho hay này thực ra nếu mỗi giáo viên chăm chú hơn một chút, mỗi bố mẹ nhất quán hơn một chút thì có thể hiện thực hóa được trong từng ngày đến trường, từng giờ ở nhà của con. Trước khi chờ đợi một sự cải cách giáo dục từ bất cứ đâu, bố mẹ chúng ta hoàn toàn có thể tự giải phóng mình và con mình khỏi những áp lực không đáng có.

Một đứa trẻ lớp một, tức là mới hoặc chưa tròn sáu tuổi, hoặc vừa qua sinh nhật 6 tuổi, nghĩa là đang trong giai đoạn tuổi chơi, tuổi ăn và ngủ. Tôi xin không bàn đến những đứa trẻ thần đồng, những vận động viên Olympic 9 tuổi hay những nhà bác học tí hon. Vậy mà thử xem lịch làm việc một ngày của các con: dậy từ 6h, ăn sáng đến trường, cặm cụi học tập, giờ chơi giữa các tiết nghỉ 5 -10 phút cũng chỉ được ở quanh lớp học, cứ như thế cả ngày đến 4h chiều, theo xe hoặc bố mẹ đón về. Buổi tối lại cặm cụi, rèn rũa thêm một tiếng, tiếng rưỡi nữa, tức là trừ thời gian ăn tối cùng gia đình, trung bình các con sẽ lên giường lúc 10h và hoàn toàn không có lúc nào để vui chơi, trò chuyện cùng cả nhà ngoài bữa ăn. Học như vậy có ích lợi gì cho sự phát triển của con trẻ?

Qua nhiều tài liệu nghiên cứu thì trẻ con bị ép học kiến thức kinh viện càng sớm, sự sáng tạo và niềm vui học tập càng giảm sút. Một công trình nghiên cứu nghiêm cẩn do Đại học Cambridge phát hành đã chỉ ra: sự sáng tạo, việc nuôi dưỡng, kích thích sáng tạo của trẻ và chương trình học phổ thông không có mấy liên hệ với nhau (nghiên cứu tại Anh, Mỹ và một số nước tham gia khảo sát, với chương trình học đã được coi là nhẹ).

Và có lẽ, đây là một sự tham khảo có giá trị cho các bố mẹ muốn tự mình giải phóng mình và con mình, hiểu mục đích sâu xa nhất của giáo dục (tiểu học) để kiên định với sự lựa chọn của mình, nhìn con đường dài để đồng hành cùng con thay vì những mục tiêu ngắn hạn như các thành tích học tập sáng chói.