Gia đình một người bạn tôi kể rằng, ngày nào đi đón con ở trường mầm non, cô giáo cũng nói chuyện kín với cô ấy rằng con rất hay đánh bạn. Ở lớp nhất định không chịu cho bạn nào ngồi cạnh, chuyên đánh bạn mà còn ăn vạ cô. Ra về đón con thấy các bạn gọi con là “anh”, “đại ca” mà ngớ người. Bạn bé nhà cô ấy giờ đang giữ vững danh hiệu “hổ báo trường mẫu giáo”, không cô giáo nào trong trường là không biết đến tên bạn. Thậm chí, các bạn trong lớp và các phụ huynh cũng không ai là không nhắc đến tên bạn cả, họ bảo con họ trong mơ cũng nói “cô giáo xử lý bạn A đi”.
Ban đầu thì chỉ là câu chuyện kể vui với mọi người trong nhà, người lớn nghe thì chỉ cười xuề hoặc chọc ghẹo cu cậu vài câu.
Nhưng lâu dần, ba mẹ đều cảm thấy rất buồn lòng và lo lắng. Cả bố mẹ và cô giáo đều bó tay không biết làm thế nào với bạn cả. Mà cũng không biết bạn giống ai hay học từ đâu thói “bạo lực” ấy.
Thực ra, để tìm được giải pháp, trước hết cần xem xét những nguyên nhân dẫn đến hành động đó của con.
Hành vi bạo lực của trẻ 1 đến 3 tuổi thực chất không phải là hiện tượng bất thường. Nhưng tại sao trẻ lại chọn bạo lực để giải quyết mọi việc?
Nguyên nhân sâu xa là từ bản thân tính cách bé, gia đình hay xã hội? Hãy cùng Cửa Sổ Vàng tìm hiểu nhé!
Ở NHÀ CON LÀ NHẤT
Thời đại con một, ở một số gia đình, ông bà, ba mẹ đều chú ý vào một em bé, nên quá chiều chuộng và cho trẻ thấy trẻ là “nhất”.
Trẻ làm sai cũng thành đúng, đòi gì được ấy...
Đến khi đi học, không được nhường nhịn hay không có được thứ mình muốn, vì quen với việc mình là số 1 nên dễ dàng đánh bạn để đạt mục đích, thỏa mãn bản thân.
VĂN HÓA “ĐÁNH CHỪA”
Bạn có quen thuộc với việc con ngã cả nhà “đánh chừa” cái bàn cái ghế không? Hay khi bé khóc thì dỗ con bằng cách đánh chừa ông bà, chừa ba mẹ...
Trẻ nhỏ được đánh người lớn vì nó chưa biết gì, cho nó đánh để nó nín... Nên đánh bạn cũng là điều “bình thường” trong suy nghĩ của con.
Trong một tình huống nào đó, người lớn từng đánh yêu trẻ như véo má, vỗ vào mông con rồi nói “bà đánh yêu này, mẹ đánh chừa này”... Điều này khiến trẻ có hiểu lầm trong cảm nhận rằng việc tạo 1 áp lực va chạm vào thân thể của ai đó tạo cảm giác gây chú ý.
TRẺ HỌC THEO CÁCH GIÁO DỤC BẰNG BẠO LỰC CỦA CHA MẸ
Trẻ nhỏ như một tờ giấy trắng và cách cư xử trong gia đình sẽ vẽ những nét đầu tiên lên trang giấy đó. Nếu cha mẹ hay quát mắng, thậm chí đánh đập trẻ thì dần dần sẽ hình thành hung tính cho đứa trẻ đó. Bé sẽ lặp lại hành động đó một cách vô thức lên bạn bè của bé.
Khái niệm yêu cho roi, cho vọt đã không còn là chân lý trong giáo dục con cái thời hiện đại.
BẠO LỰC GIA ĐÌNH ẢNH HƯỞNG ĐẾN TRẺ
Tình trạng bạo lực gia đình có thể là bạo lực giữa bố mẹ với nhau, bạo lực thể xác hoặc những cách trừng phạt thân thể...
Những em bé này về sau thường dễ có khả năng có hành vi bạo lực, dẫn đến việc trẻ hay đánh bạn.
TRẺ TIẾP XÚC VỚI HÀNH VI BẠO LỰC TRÊN TV, INTERNET
Việc lạm dụng các thiết bị điện tử để con ăn ngoan, ngồi chơi im lặng trong lúc cha mẹ bận rộn có thể là nguyên nhân dẫn đến bé tự ý xem những video có yếu tố bạo lực.
Các chương trình TV có quá nhiều chi tiết la hét, xô đẩy, đánh đấm sẽ ảnh hưởng ít nhiều lên hành vi của trẻ.
Trẻ nhỏ chơi các game thực tế ảo có yếu tố bạo lực thường dễ trở nên hung hăng hơn.
Đặc biệt là bé trai rất dễ nhiễm và học theo những nội dung này.
BA MẸ CẦN LÀM GÌ?
Đầu tiên là tìm hiểu nguyên nhân, sau đó mới có cách xử trí.
Ba mẹ cần điều tiết cảm xúc và tránh xung đột trước mặt con.
Tôn trọng trẻ và không có hành động “đánh chừa”, “đánh yêu”...
Can thiệp sớm khi sự việc xảy ra. Giáo dục cho trẻ biết rằng sử dụng hành vi bạo lực là điều không được xảy ra. Nhắc nhở trẻ xin lỗi những bạn bị con đánh. Điều này giúp trẻ hiểu rằng hành vi bạo lực là không tốt và sẽ gây tổn thương cho người khác.
Đưa ra những biện pháp kỷ luật nếu trẻ thường xuyên đánh bạn. Ví dụ mẹ sẽ không đưa con đi công viên cuối tuần vì con đã đánh bạn, con nên ở nhà suy nghĩ lại hành vi của mình...
Tuy nhiên không phạt con nơi công cộng.
Hãy giữ bình tĩnh và dạy cho con cách kiểm soát cơn giận của bản thân, dùng lời nói mềm mỏng nhưng nghiêm nghị để giải thích hành vi của trẻ.
Không quá nuông chiều và coi trẻ là nhất trong gia đình. Đối xử công bằng với con.
Hạn chế cho trẻ dùng các thiết bị điện tử để tránh trẻ học được bạo lực từ internet.
Dạy trẻ nói ra những điều mình suy nghĩ và cảm thấy thay vì đánh người khác.
Bên cạnh đó, ba mẹ đừng quên dạy con những bài học về tình bạn, kể con nghe những câu truyện nuôi dưỡng tâm hồn nhé!