Nói là dạy dỗ con cái, nhưng các bậc cha mẹ đôi khi chưa thực sự hiểu hết cảm giác của con cái họ khi sống trong gia đình. Vậy bạn đã từng đặt câu hỏi, trẻ nhỏ sợ nhất là điều gì về cha mẹ không?
1. Cha mẹ cãi nhau
Một tổ chức nghiên cứu tâm lý tiến hành khảo sát đối với hơn 3.000 học sinh tiểu học, trong đó có đưa ra một câu hỏi “Cháu sợ điều gì ở cha mẹ nhất?”. Và câu trả lời nhiều nhất là: “Điều cháu sợ nhất, đó là ba mẹ giận dữ, ba mẹ cãi nhau”.
Có một số gia đình, vợ chồng thường xuyên cãi nhau, to tiếng mắng chửi, thậm chí là động thủ đánh nhau, không khí gia đình thường lâm vào tình trạng căng thẳng, điều này sẽ tạo áp lực lên tâm lý của con trẻ. Cho nên, các bậc cha mẹ yêu thương con cái mình nên ghi nhớ rằng, hãy tạo không khí gia đình ấm áp, đầy yêu thương vì sự trưởng thành toàn diện của con trẻ.
2. Cha mẹ nổi cáu giận dữ
Quát to xác thực sẽ làm cho trẻ sợ hãi, trong khi sợ hãi trẻ sẽ tạm thời không có những hành vi khiến cha mẹ phiền lòng. Nhưng đối với đứa trẻ thì nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đây? Sẽ có một số khả năng sau:
– Nhất nhất nghe theo cha mẹ, cha mẹ bảo làm gì thì liền làm đó.
– Bé bị sợ hãi ngây người, đứng sững sờ một chỗ không dám nhúc nhích.
– Òa khóc lớn, không chịu làm bất cứ việc gì.
– Cũng bắt chước biểu hiện của cha mẹ, hung hăng giận dữ, bắt lấy vật khác ném xuống đất.
Trẻ nhỏ rất mẫn cảm đối với tâm tình của cha mẹ. Bởi vậy, cha mẹ giận dữ, sẽ nhất định ảnh hưởng tới hành vi cảm xúc của con. Nếu có thể, trước khi phát ra giận dữ nên đưa ra lời cảnh báo: “Mẹ đang rất giận, con có thể dừng ngay lại được không”, “Hôm nay tâm trạng mẹ không được tốt, con tốt nhất đừng…”.
3. Thiên vị – yêu thương các con không đồng đều
Cha mẹ thiên vị, làm cho con trẻ từ nhỏ lớn lên như một cái bóng thừa thãi trong mắt cha mẹ. Cùng là con của cha mẹ, nhưng tiền tiêu vặt, quần áo, đi chơi… không giống nhau, việc này sẽ tạo thành một trở ngại trong tâm lý của con trẻ. Rất nhiều nghiên cứu phát hiện, cha mẹ thiên vị sẽ tạo thành ảnh hưởng không tốt đối với tâm lý của trẻ, sẽ khiến cho trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, thậm chí là trẻ đã trưởng thành xuất hiện những vấn đề về hành vi và tâm lý.
4. Cha mẹ không giữ chữ tín, hay thất hứa
Có nhiều bậc cha mẹ nói mà không giữ lời, nhất là trong việc học tập của con. Ví như có vị cha mẹ nói: “Con nhanh làm bài tập đi, làm xong sẽ cho con xem phim”, nhưng khi đứa trẻ làm xong bài tập rồi thì cha mẹ lại tiếp tục giao thêm một số bài tập khác. Trẻ nhỏ rất ghét việc cha mẹ dễ dàng đồng ý nhưng sau đó lại thay đổi không giữ lời.
Chính bản thân đứa trẻ đó cũng sẽ dễ dàng hình thành một thói quen xấu như “không giữ lời” hoặc “xem nhẹ lời hứa”. Đến khi trưởng thành, thói quen “không giữ lời” kia sẽ khiến cho bản thân đứa trẻ đánh mất rất nhiều bạn bè và cơ hội tốt.
5. Không kiên nhẫn giải đáp những câu hỏi của con
Tính tò mò hiếu kỳ là bản chất của con người, đặc biệt là ở lứa tuổi trẻ nhỏ thì sự hiếu kỳ hết sức lớn. Đứa trẻ hay đặt câu hỏi thường ham học hỏi và suy xét phân tích, thích hoạt động. Cha mẹ nên kịp thời giải thích và khuyến khích những câu hỏi của con, để con trẻ cảm thấy đặt câu hỏi là một việc vui vẻ thích thú. Việc đưa ra những câu hỏi sẽ có lợi cho việc phát triển tư duy của trẻ nhỏ.
6. Cha mẹ không vui vẻ với bạn bè của con
Tin chắc rằng các bậc cha mẹ cũng đều hy vọng con mình là người có các mối quan hệ, giao tiếp tốt. Song có một số cha mẹ, có thể là do một vài người bạn của con có những khuyết điểm như: không hiểu lễ phép, hoặc rất tính toán, hay nói dối… cho nên không ưa thích bọn trẻ.
Cha mẹ nên tôn trọng bạn bè của con. Cha mẹ nên đứng ở góc độ của con trẻ để có thái độ đối đãi với bạn bè của con, nên đặt mình vào vị trí của con để xem xét, tôn trọng và ủng hộ sự lựa chọn kết bạn của con
7. Cha mẹ xem nhẹ những ưu điểm của con
Điều này xuất phát từ tâm lý của các bậc cha mẹ mong chờ con mình trở thành xuất sắc hơn những đứa trẻ khác. Mỗi một đứa trẻ đều có những ưu điểm và khuyết điểm riêng của mình. Làm cha mẹ, không thể chỉ dựa vào tướng mạo, thành tích nhận định rằng con của mình không bằng con người khác. Mà là phải biết những ưu điểm của con cái, phải biết được những điểm khác biệt giữa con mình và người khác, tin tưởng con của mình là ưu tú để khích lệ trẻ.
8. Cha mẹ chỉ trích con trước mặt người khác
Người đến khách đi, bạn bè gặp nhau, nói chuyện hỏi han, đề tài con cái thường hay được nhắc đến nhiều nhất. Có rất nhiều cha mẹ thường ở trước mặt mọi người vui vẻ ‘vạch trần’ những điểm không tốt của con mình, tựa như muốn kể khổ với người khác, ý muốn nói rằng mình nuôi dạy được một đứa trẻ như vậy thật không dễ dàng gì. Cũng có cha mẹ chỉ một mực kể những điểm yếu của con, chỉ muốn tranh thủ được những lời cảm thông của người khác, nhiều khi nói con mình thành như “vô dụng”. Điều này vô tình khiến cho con trẻ cảm thấy mình thật vô dụng, cái gì cũng không làm tốt, không được ai công nhận, học tập không tốt, tướng mạo cũng không đẹp, giao tiếp không tốt, việc nhà làm cũng không xong, đứa trẻ cảm thấy mình làm cho cha mẹ xấu hổ, cũng cảm thấy cha mẹ đối với mình bất mãn, từ đó nảy sinh mặc cảm, tâm lý tự ti, xa lánh mọi người.
8 việc nêu trên là những việc mà con trẻ sợ nhất về cha mẹ mình. Ngoài ra, chúng còn rất sợ trong gia đình có không khí lãnh đạm, căng thẳng, nặng nề, bạo lực hoặc một gia đình thờ ơ lặng lẽ như không có sự sống vậy. Trong mắt con trẻ, cha mẹ nên là những người tốt nhất, yêu thương chúng nhất, và chúng cần có một gia đình hạnh phúc ấm áp, tràn ngập sự thương yêu, thoải mái, khoan dung, tràn ngập vui vẻ và sự sống.