ạy con sớm về giá trị của đồng tiền
Theo một nghiên cứu được công bố bởi dịch vụ MoneyHelper của chính phủ Anh, những hiểu biết sớm của trẻ em về giá trị đồng tiền có thể hình thành hành vi tài chính của chúng khi trưởng thành.
Nghiên cứu của đại học Cambridge cho thấy, khi lên 7 tuổi, hầu hết trẻ em đều có khả năng nắm bắt được giá trị của đồng tiền và hiểu rằng một số lựa chọn là không thể thay đổi hoặc sẽ khiến chúng gặp vấn đề trong tương lai.
Nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ được phép đưa ra các quyết định tài chính phù hợp với lứa tuổi và trải qua những tình huống khó xử trong chi tiêu hoặc tiết kiệm có thể hình thành thói quen tích cực khi nói đến vấn đề tiền bạc. Điều này có thể dẫn đến sự thay đổi của đứa trẻ về khả năng lập kế hoạch trước và phản xạ trong suy nghĩ của chúng về tiền bạc. Ngoài ra chúng có thể học cách điều chỉnh tính bốc đồng, cảm xúc của mình theo khía cạnh tích cực trong lĩnh vực tài chính của cuộc sống.
Juliette Collier, giám đốc tổ chức từ thiện "Campaign for Learning", nói rằng việc cho trẻ một số tiền nho nhỏ để chúng tự xử lý, chi tiêu và tiết kiệm là điều đáng để thực hiện. "Một khi chúng đủ lớn để không cho tiền vào miệng thì hãy cho chúng một ít tiền. Ví dụ, nếu trẻ nhỏ muốn dùng số tiền đó để mua kẹo thì hãy nói rõ rằng chúng không thể tiêu số tiền đó vào việc khác. Hãy để trẻ đưa ra lựa chọn và trải nghiệm kết quả", bà Juliette nói.
Những bài học vui vẻ
Có rất nhiều trang thông tin mà bạn có thể sử dụng để dạy con về giá trị đồng tiền ngay ở nhà. Valuesmoneyandme, một trang web do cơ quan tham chiếu tín dụng Experian tạo ra, cung cấp sách trực tuyến miễn phí và các câu đố tương tác nhằm vào trẻ em ở độ tuổi tiểu học giúp trẻ biết thêm thông tin về tiền bạc và các tình huống khó xử về tài chính trong thế giới thực.
FunKidsLive thực hiện một podcast kiếm tiền ngắn nhắm đến trẻ em và có rất nhiều trò chơi miễn phí trực tuyến trong khi trang CheekyMonkeys cung cấp những bài học tài chính hữu ích về hậu quả của việc hám lợi và chấp nhận rủi ro.
Thảo luận về mục đích sử dụng của tiền
Giám đốc tổ chức từ thiện Collier gợi ý bạn nên chụp ảnh các vật dụng khác nhau trong nhà và phân loại thành nhu yếu phẩm và hàng xa xỉ. Sau đó tạo ra một cuộc thảo luận với con cái về việc tiền dùng để làm gì.
Bà Collier cũng khuyên bạn nên nói về những chi phí "ẩn" trong cuộc sống mà trẻ có thể không nhận thấy, ví như hệ thống sưởi, điện và nước không miễn phí. Từ đó nhắc nhở con trẻ nỗ lực tiết kiệm tiền.
Ví dụ bạn có thể nhờ con cái giúp bạn thực hiện kế hoạch "một ngày không tiêu tiền" hoặc nấu ăn mà chỉ sử dụng những nguyên liệu có trong tủ lạnh, không mua thêm đồ mới.
Bạn có thể sử dụng những hoạt động này như một bàn đạp để thảo luận về cách người lớn cần đặt thứ tự ưu tiên trong việc tiêu tiền và mọi thứ sẽ khó khăn như thế nào nếu trẻ nhỏ cảm thấy rất muốn mua một thứ gì đó mà không đủ khả năng chi trả.
Tổ chức từ thiện mang tên "Hành động và xóa đói giảm nghèo cho trẻ em" cũng gợi ý bạn yêu cầu con mình tưởng tượng về một đứa trẻ bằng tuổi chúng và nói chuyện với chúng về những điều mà đứa trẻ đó có thể bỏ lỡ nếu gia đình chúng không có tiền.
Người phát ngôn của tổ chức từ thiện này, cô Kate Anstey cho biết: "Nói chuyện với trẻ em về nghèo đói có thể giúp chúng nâng cao nhận thức và hiểu biết về nghèo đói và bất bình đẳng. Đó có vẻ là một chủ đề khó để thảo luận nhưng những giáo viên từng nói về chủ đề này trong lớp học của họ nhận thấy rằng trẻ em thực sự hiểu vấn đề khá tốt".
Đưa con đi mua sắm
Một trong những nơi tốt nhất để dạy trẻ hiểu về giá trị của đồng tiền là cửa hàng. Tiến sĩ Ems Lord, giám đốc dự án toán học NRICH tại đại học Cambridge cho biết: "Có tiền và tự mua một thứ gì đó theo ý mình là cảm giác rất đặc biệt: Nó sẽ giúp trẻ nhỏ tự tin hơn với tiền bạc".
Nếu bạn thanh toán bằng thẻ, hãy giải thích rõ với trẻ nhỏ về cách hoạt động của thẻ và thảo luận về những món đồ nên mua. Hãy hỏi trẻ nhỏ xem liệu chúng có thể phân biệt được sự khác biệt khi cùng một món hàng nhưng lại có những mức giá khác nhau hay không và sự chênh lệch đó có hợp lý hay không.
Lord, một cựu giáo viên dạy toán ở Anh, cho biết: "Điều quan trọng là chúng ta phải dạy trẻ em về giá trị của tiền bạc trong mỗi hoàn cảnh. Khuyến khích trẻ tính toán chi phí mua sắm và so sánh các ưu đãi khi đi mua hàng. Hiểu giá trị của hàng hóa là một kỹ năng sống cần thiết.
Giúp trẻ nhỏ thành thạo việc ước lượng cũng rất quan trọng. Nó sẽ giúp trẻ em phát triển cảm giác thực sự đối với các con số để chúng có thể dễ dàng phát hiện khi nào chúng đang bị bán đắt và tránh cho trẻ em mắc phải những sai lầm dẫn tới sự tốn kém.
Đưa trẻ đến cửa hàng bán đồ từ thiện, đồ hạ giá
Các cửa hàng từ thiện là nơi đặc biệt tốt để đưa trẻ nhỏ đi tiêu tiền bởi ở đó chúng thường tìm được một món hời và bạn có thể tận dụng cơ hội để thảo luận về sức mạnh của đồng tiền.
Mua sắm tại các cửa hàng như vậy sẽ giúp trẻ biết rằng chúng đang ủng hộ một việc làm tốt và nhận được thứ gì đó cho bản thân.
Khi mua đồ cũ, hãy chỉ cho trẻ thấy tác động tích cực của món đồ đối với môi trường và quan trọng hơn, hãy nói cho trẻ biết, nếu món đồ đó là đồ mới thì sẽ có mức giá chênh lệch như thế nào.
Hãy hỏi trẻ nhỏ, vì sao mọi người quyên góp cho các cửa hàng từ thiện và liệu chúng có muốn làm như vậy với đồ chơi cũ của chúng hay không. Phân tích cho trẻ hiểu rằng, khoản đóng góp của chúng có thể tạo ra sự khác biệt như thế nào cho cuộc sống của một người khác.
Về cơ bản, chúng ta không bao giờ được học bài học về giá trị của đồng tiền khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hầu hết chúng ta đều nhận được những bài học về giá trị đồng tiền ngay tại nhà của mình. Vì thế, cách bạn nhìn nhận về giá trị của đồng tiền và cách bạn dạy con về tiền bạc sẽ có ảnh hưởng lớn tới quan điểm, cách nhìn nhận của chúng về cuộc sống sau này.