Đối tượng gây án có thể là bạn bè, người thân trong gia đình; người hiếm con; kẻ buôn người nhưng tập trung vào số đối tượng lưu manh hình sự, tù tha, nghiện hút ma túy, không có công ăn việc làm, thua nợ bóng đá, lô đề, cờ bạc. Trên cả nước thời gian qua, tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em xảy ra tại một số địa phương gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Đây là loại tội phạm mới xuất hiện trên địa bàn, xét thấy tính chất nghiêm trọng cần phải thông báo cho phụ huynh, quần chúng nhân dân biết để cảnh giác, phòng ngừa. Do vậy, nhà trường xin khuyến cáo loại tội phạm bắt cóc trẻ em và một số biện pháp để phòng ngừa như sau:
1. Về thủ đoạn:
– Trước khi bắt cóc, các đối tượng thường đến khu vực gần nhà nạn nhân để nắm tình hình về quy luật sinh hoạt của gia đình nạn nhân, sau đó lợi dụng sơ hở để bắt cóc.
– Các đối tượng lân la trước các trường học (mầm non, tiểu học) để theo dõi, nắm tình hình, khi phát hiện sơ hở, cơ hội thuận lợi thì tiến hành bắt cóc.
– Các đối tượng thường xuyên tiếp xúc với các em, khi đã làm quen với các em thì các đối tượng lợi dụng lúc bố mẹ, người thân các em vắng nhà để rủ đi chơi và bắt cóc.
– Các đối tượng lợi dụng các cháu bé chơi một mình ở trên vỉa hè, ngoài đường, trước cổng nhà không có người trông coi nhanh chóng bắt cóc rồi tẩu thoát bằng phương tiện giao thông.
2. Một số biện pháp phòng ngừa:
- Giờ đón trẻ: Phụ huynh đưa trẻ đi học phải đưa trẻ vào lớp, phải trao trẻ tận tay cô giáo chủ nhiệm rồi mới ra về (không vì vội muộn giờ làm mà chỉ chở trẻ đến cổng trường rồi cho trẻ tự một mình đi vào lớp).
- Giờ trả trẻ: Phụ huynh đến đón trẻ phải vào lớp để đón, cô giáo chỉ trả trẻ khi đó là bố mẹ, ông bà của trẻ những người thân của trẻ mà cô đã biết, không trả trẻ cho người lạ mặt dù trẻ biết người đó và người đó có nói là gì ruột hay cậu ruột,...của trẻ. Nếu có trường hợp đặc biệt bố mẹ, ông bà không thể đến đón trẻ thì phải gọi điện báo trước cho giáo viên chủ nhiệm và căn dặn về việc nhờ ai đến đón trẻ: người đó tên gì, làm việc ở đâu,...lúc đó cô giáo mới được trả trẻ.
* Giáo viên phải đảm bảo an toàn trong thời gian trẻ ở trường:
- Phải thường xuyên bao quát, kiểm tra, đếm số trẻ trong quá trình học, quá trình chơi và nhất là khi tổ chức cho trẻ ra Hoạt động ngoài trời...
* Giáo viên phải dạy trẻ và tuyên truyền tới các bậc phụ huynh để phòng ngừa tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em.
3. Những quy tắc "sống còn" bố mẹ cần dạy bé để tránh bị bắt cóc:
a) Mẹo dạy trẻ đối phó với người lạ
Trước hết, cần dạy trẻ các khái niệm người lạ khác nhau. Nói với trẻ ai là người lạ có ý đồ xấu, ai có thể tin tưởng được (chú công an, bác bảo vệ,…), giới thiệu với trẻ những người quen như bạn bè, họ hàng của bố mẹ để bé nhận biết. Cùng bé “điểm danh” những hành vi đáng ngờ của kẻ xấu:
Tiếp cận, nhờ vả, đánh vào tâm lý rủ lòng thương của trẻ:
- Bố mẹ cháu đang gặp tai nạn, để cô/chú/bác/... đưa cháu đi đến chỗ bố/mẹ ngay
- Cô là bạn của mẹ con, mẹ gửi cho con một món quà. Cô để nó ở xe, con đến lấy nhé.
- Có một bà cụ bị gãy tay, con đến phụ cô giúp bà lão đó nha.
- Có bạn muốn gặp con, bạn nhờ cô nhắn con ra ngoài đó.
- Con chó của chú đang bị lạc, con cùng đi tìm giúp chú nhé.
Tự nhiên bắt chuyện, muốn tặng quà:
- Con thích ăn kẹo này không, chú cho con nè.
- Chú tặng con ô tô/ búp bê/xếp hình này nhé….
Với hai trường hợp trên, dạy trẻ nói: “Con không quen cô/ chú, để con hỏi ý kiến bố mẹ con đã”. Sau đó, hãy mau chóng tránh xa những người đó.
Yêu cầu con giữ bí mật:
- Con không được nói cho ai biết nhé.
=> Hoặc nếu có người xin chụp hình con, hãy dạy con nói “không” và kể ngay với bố mẹ, thầy cô, vì rất có thể, những đối tượng này đã lên kế hoạch để tiếp cận, làm thân với bé từ từ để bắt cóc, tống tiền.
Yêu cầu nhờ đến đón:
- Bố mẹ con bận, dặn con đi cùng chú về nhà.
=> Hãy thiết lập một mật mã chỉ hai mẹ con biết, và dạy bé phải hỏi mật mã của người lạ đó. Nếu không phải người quen, trẻ phải tìm cách tránh xa thật nhanh.
b) Dạy trẻ cách đối phó khi bị bắt cóc
Dạy trẻ tập hét:
- Nếu bất kì người lạ nào cố tình bắt con đi theo, dạy trẻ cách hét lớn, rõ ràng, mạnh: “Cướp! Cướp!” hoặc “Dừng lại ngay!”
- Hét với người xung quanh: “Đây không phải bố mẹ cháu!”
- Gây tiếng ồn lớn, đập mạnh vào vật gì đó, ném đồ vật như cặp, sách vở để gây sự chú ý. Những tiếng hét của trẻ có thể sẽ khiến kẻ bắt cóc bối rối và cũng là tiếng chuông báo nguy hiểm để mọi người xung quanh biết và giúp đỡ.
Dạy trẻ dùng thể lực
Hướng dẫn cho trẻ cách dùng lực để tấn công vào 3 vị trí bất lợi của đối tượng để có thể chạy thoát, đó là ức, cằm, hạ bộ. Dạy trẻ ghi nhớ 4 hành động: hét, cắn, đá, chạy.
Những kỹ năng này nên được giới thiệu thường xuyên ở nhà để chuẩn bị cho những tình huống không may xảy ra.
Trường hợp khác
Hãy dạy trẻ, nếu người ta bảo con không được nói cho ai biết một điều gì đó, con nên báo lại cho bố mẹ hoặc thầy cô giáo biết
- Nếu tên bắt cóc có vũ khí, đòi tài sản, hãy dạy trẻ làm theo yêu cầu của chúng để tránh bị thương. Trong trường hợp này, không nên dạy trẻ gào thét, kêu cứu và giãy giụa nhằm thoát khỏi kẻ xấu.
- Nếu có thể thoát khỏi kẻ xấu, dạy trẻ không nên đi theo bất cứ người lạ nào trên đường mà hãy chạy vào nhà dân rồi gọi điện cho bố mẹ.
- Quan trọng hơn, bố mẹ phải cho con thực hành những tình huống giả định thường xuyên để trẻ chuẩn bị sẵn tinh thần, tránh bị mất bình tĩnh, hoảng loạn khi có nguy cơ. Ngoài ra, dạy trẻ không thân mật với người lạ đến nhà để tránh hình thành thói quen dễ dàng nói chuyện với người lạ. Dạy trẻ học thuộc lòng tên mình, tên bố mẹ và số điện thoại, giải thích rõ những trường hợp trẻ nên khai báo, như chú công an, bảo vệ ở các cửa hàng, siêu thị gần đó.
4. Trường hợp phát hiện con mình đã bị bắt cóc, bố mẹ cần phải làm:
- Khi trẻ bị bắt cóc, gia đình nhất thiết phải trình báo với cơ quan công an gần nhất (kể cả bị đối tượng ngăn cản báo công an). Việc trình báo cần bí mật, vì đối tượng có thể đang quanh quẩn để quan sát động thái của gia đình trẻ.
- Khi đối tượng gọi điện tới để đòi tiền chuộc, bố mẹ bí mật ghi âm lại cuộc gọi, lưu số máy gọi đến. Trong khi nói chuyện, người nhà cần tỏ ra sợ hãi và ngoan ngoãn chấp hành mọi yêu cầu của đối tượng, luôn miệng xin chúng đừng làm hại đứa trẻ. Để tránh nghi ngờ, chúng ta tập trung vào việc “mặc cả”, thảo luận về thời gian, địa điểm, cách thức giao nhận tiền… Sau đó, gia đình phải báo cáo và hợp tác chặt chẽ với công an.