1383709399-tre-day-thi-som-nen-7501-7512

Ảnh minh họa: Health.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Thúy, Trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi Đồng 2, dấu hiệu nhận biết bé gái dậy thì sớm là vú to ở các em dưới 8 tuổi (đang học lớp 2) hoặc có kinh dưới 9 tuổi rưỡi (hết lớp 3).

Bác sĩ cho biết, độ tuổi có kinh ở trẻ gái ngày càng sớm, trung bình cứ 2 thế hệ giảm đi một tuổi. Hơn 90% trường hợp dậy thì sớm không có nguyên nhân. Còn lại các trường hợp khác là do có những bất thường vùng dưới đồi, tuyến yên (não), u bướu buồng trứng…Ngoài ra, thói quen ăn thức ăn nhanh, lối sống ít vận động, xem tivi nhiều, chế độ dinh dưỡng dư thừa cũng góp phần khiến nhiều trẻ dậy thì sớm.

Theo ghi nhận, hơn 50% trường hợp dậy thì sớm ở trẻ trai là do tổn thương thần kinh trung ương, khối u ở não hoặc tổn thương thần kinh mắc phải do viêm nhiễm, phẫu thuật, chấn thương, xạ trị.

Dậy thì sớm khiến trẻ thấp lùn, các em cũng đối diện với nguy cơ bị lạm dụng tình dục, lão hóa sớm. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng cần chữa trị. Các bác sĩ khuyến cáo chỉ điều trị can thiệp trên những trẻ bị dậy thì sớm “thật” tức là dậy thì sớm trung ương tiến triển. Để chẩn đoán đúng bệnh, đúng nguyên nhân, cần phải thăm khám, đo tuổi xương, xét nghiệm máu, siêu âm tử cung, theo dõi, kiểm tra GnRH.

Có thể điều trị dậy thì sớm bằng cách tiêm thuốc Diphereline mỗi tháng đến khi trẻ 12 tuổi, bé sẽ ngưng dậy thì và tiếp tục cao lên. Tuy nhiên thuốc có tác dụng phụ là gây đau tại vị trí tiêm, dị ứng, trẻ có kinh sau lần tiêm đầu tiên. Với những bệnh nhi bị khối u, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Một số trường hợp khác có thể phải bổ sung canxi.

Để phòng bệnh này, bác sĩ Diễm Thúy khuyên phụ huynh nên giảm cho trẻ ăn thức ăn công nghiệp, không lạm dụng hóa chất như thuốc, men tiêu hóa, mỹ phẩm, tăng cường lối lành mạnh, hòa mình với thiên nhiên, vận động nhiều. Cha mẹ cũng cần gần gũi, quan tâm con nhiều hơn để sớm nhận ra những thay đổi cơ thể và tâm sinh lý của bé.