Quyền trẻ em, đặc biệt quyền được sống an toàn, lành mạnh, được bảo vệ khỏi xâm hại đang trở thành một trong những vấn đề toàn cầu, được Đảng, Nhà nước và xã hội luôn quan tâm. Một số yếu tố ảnh hưởng đến việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em như kinh tế tăng trưởng sẽ tạo tiền đề quan trọng về nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu về trẻ em; an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là việc thực hiện các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển giáo dục, y tế, chăm sóc xã hội tác động đến chất lượng cuộc sống của trẻ em. Cách mạng khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế có những tác động cả tích cực và tiêu cực đến việc thực hiện các quyền trẻ em và bổn phận của trẻ em; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh phức tạp, khó lường tác động trực tiếp và lâu dài đến sự phát triển toàn diện và cuộc sống an toàn của trẻ em. Gia tăng nguy cơ trẻ em “bị bỏ lại đằng sau” do không được tiếp cận đầy đủ chính sách, dịch vụ hỗ trợ, thiếu sự chăm sóc trực tiếp của cha mẹ; các giá trị đạo đức truyền thống thay đổi, lối sống thực dụng, thiếu gương mẫu của người lớn...
Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác trẻ em, trong đó có bảo vệ trẻ em, cần tập trung các nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong hình hình mới”, các văn bản chỉ đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; củng cố, nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của công tác này đối với sự phát triển bền vững của địa phương.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em, như về việc bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em, tư pháp thân thiện với trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em bị ảnh hưởng thiên tai, thảm họa; hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp thẻ bảo hiểm y tế cho từng độ tuổi trẻ em...
Thứ ba, đề cao trách nhiệm các ban ngành, đoàn thể, trạm y tế, trường học trong tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn xã. Tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống chính trị và huy động toàn xã tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác này. Chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách và các chương trình, đề án, kế hoạch hành động về trẻ em.
Thứ tư, tăng cường phối hợp về thực hiện quyền trẻ em. Chú trọng công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các ngành liên quan trong phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ trẻ em trong các vụ việc, vụ án bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.
Thứ năm, không ngừng đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng, hoạt động về thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em cho mọi thành viên trong gia đình, nhà trường và cho chính trẻ em. Đa dạng các hình thức truyền thông, giáo dục, vận động xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng, Internet, viễn thông và mạng xã hội, truyền thông trực tiếp đến gia đình, cơ sở giáo dục và cộng đồng.
Thứ sáu, thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em; Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em; Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; Chương trình phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.... Quan tâm bố trí đủ nguồn lực từ ngân sách và tăng cường huy động các nguồn lực xã hội phục vụ công tác trẻ em và bảo vệ trẻ em, trong đó đặc biệt ưu tiên đầu tư cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Thứ bảy, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ đáp ứng việc thực hiện quyền trẻ em, ưu tiên hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, lồng ghép và phối hợp giữa các dịch vụ y tế, giáo dục, tư pháp và các dịch vụ an sinh xã hội khác.