1. Nhận bao lì xì:
Bố mẹ hãy giải thích cho bé biết lì xì là khoản tiền nhỏ được người lớn chuẩn bị trong phong bao màu đỏ và cho trẻ con vào ngày đầu năm cùng những lời chúc chăm ngoan, mau lớn. Phong bao lì xì có ý nghĩa mang đến sự may mắn, thuận lợi cho trẻ em; bao lì xì đỏ tươi cũng chính là tấm lòng, sự yêu thương của người lớn trong gia đình dành cho con, cháu nhân dịp bắt đầu một năm mới. Phong bao lì xì có ý nghĩa mang đến sự may mắn, thuận lợi cho trẻ em
2. Mặc quần áo mới, những màu sắc tươi tắn mạng lại niềm vui, may mắn
Bạn hãy giải thích với bé vì sao chúng ta lại mặc đồ mới trong dịp Tết. Bởi vì nó thể hiện một năm mới đủ đầy, tươm tất cho cả một năm. Do đó, quần áo để mặc trong dịp Tết gia đình mình luôn là quần áo mới và có màu sắc tươi tránh những màu đen, trắng. Hai màu trắng và đen lại là những màu vốn được là màu buồn. Vì thế trong những ngày đầu năm mới, chúng ta thường kiêng mặc hai màu này, tránh mang đến điều không may hay nỗi buồn, sợ nó sẽ theo mình đến suốt một năm.
3. Xông đất:
Xông đất là một phong tục truyền thống của người Việt vào ngày đầu tiên của năm mới. Xông đất nghĩa là người đặt chân đầu tiên vào gia đình mình. Người xông đất cho gia đình mình là những người luôn vui vẻ, cởi mở, tốt bụng, tuổi của người đó phải hợp với chủ nhà thì việc xông đất mới đem lại sự thuận lợi cho cả năm. Ý nghĩa của nó rất đặc biệt quan trọng đối với gia đình kinh doanh, buôn bán. Mẹ hãy giải thích cho bé, tại sao ba mẹ thường không cho bé tự tiện đến nhà người khác vào sáng mùng 1 Tết khi chưa được gia đình người ta cho phép. Trong những ngày đầu tiên của năm mới, chúng ta nên tránh những điều không hay, không vui cho mình và cho cả người khác để mọi người đều có một năm thật thuận lợi.
4. Dạy con lễ nghĩa trong ngày tết
Qua năm mới, bé đã lớn thêm 1 tuổi, chúng rất mong đợi không khí náo nhiệt khi được gặp gỡ nhiều bạn nhỏ tới nhà. Cha mẹ có thể nắm bắt cơ hội ngày tết này, dạy con những thói quen văn minh, lễ phép trong việc giao tiếp với mọi người.
5. Dạy con làm một người chủ nhà rộng lượng
Đầu tiên cần cho con học các ngôn tự lễ phép, những lời chúc đẹp và thích hợp. Con bạn có thể nói “Con chúc mọi người một năm mới tốt lành!” Bất kì ai gọi điện đến nhà hay khách tới nhà đều nhớ nói lời chúc.
Ngoài ra, bé cần học cách tiếp đãi khách như mang nước, bày đồ ăn … dựa vào trình độ năng lực của từng trẻ. Đối với trẻ có độ tuổi nhỏ cần chú trọng vào thái độ lễ phép hơn, khi khách hỏi cần trả lời trung thực, luôn mang vẻ mặt thái độ vui vẻ. Khi cha mẹ đang nói chuyện với khách không được xen ngang, nô đùa ầm ĩ, không được tranh luận hay bình phẩm với khách. Cha mẹ cần chú ý quan sát trẻ, kịp thời ngăn chặn những hành động không tốt của trẻ như chuyển chủ đề cho trẻ quên đi.
Cuối cùng là dạy trẻ cách lịch sự khi tiễn khách, thể hiện cảm tình như “cô chú lần sau lại tới nhà cháu chơi”… Cha mẹ cần chú ý không nhận xét sau khi khách đã về. Điều này khiến trẻ rất dễ học theo thói quen nói xấu sau lưng người khác.
6. Dạy con trở thành một người khách được yêu mến
Khi ra ngoài, cha mẹ đừng bao giờ ngại dẫn theo trẻ, việc dạy trẻ làm khách là một việc rất tốt.
Đầu tiên hãy cho trẻ biết con sắp đi đâu, con cần xưng hô với người ở đó như thế nào. Như vậy, khi đối mặt với hoàn cảnh lạ, trẻ sẽ không cảm thấy sợ hãi, ngượng ngùng. Cha mẹ cần chủ động dẫn trẻ vào giới thiệu với chủ nhà, giúp trẻ cảm thấy mình được quan tâm, tôn trọng.
Bất kể khi đến nhà bạn nhỏ hay người lớn, trẻ đều phải chủ động nói lời chào trước. Trẻ cũng nên biết nói lời cám ơn khi nhận được sự tiếp đãi nhiệt tình của chủ nhà.