Trẻ “ăn vạ” ở nhà đã khó xử, ở chốn đông người bố mẹ càng bối rối và “ngại” với những người xung quanh hơn. Tham khảo một số “chiêu” dưới đây để đối phó.
Thông thường, khi bé khóc và ăn vạ ngay chốn đông người, bố mẹ cảm thấy rất khó xử và khá xấu hổ khi xung quanh toàn là người lạ đang tò mò, xì xào bàn tán. Tham khảo những bước dưới đây để xử lí bé hiệu quả.
Chuẩn bị trước ở nhà
Nếu bạn đã định dẫn trẻ đi ra ngoài trong nhiều giờ, đừng quên đem theo những món đồ ăn, uống yêu thích của con và đưa cho bé khi bé bắt đầu có dấu hiệu “quấy nhiễu”. Đây là một cách đánh lạc hướng trẻ và khi ăn, uống, chơi với đồ chơi, trẻ sẽ bình tĩnh hơn. Mẹ nên nhớ đó phải là những món đồ có lợi cho sức khỏe và đảm bảo vệ sinh.
Nói rõ những ý định trước khi đi đâu
Trước khi cùng con ra khỏi nhà, hãy nói rõ ý định của bạn: "Mẹ con mình sẽ đi siêu thị để mua thức ăn, chứ không mua đồ chơi", “Em Bin không bao giờ gào thét hay khóc lóc, con cũng sẽ như thế đúng không?” Nhắc đi nhắc lại nhiều lần như vậy sẽ khiến bé hiểu rõ mục đích khi đi đâu đó và biết điều gì nên hay không nên làm.
Chọn thời điểm thích hợp khi đưa bé ra ngoài
Nếu chủ động được, bố mẹ nên đưa bé ra ngoài vào những khung giờ mà con thấy thoải mái, vui vẻ nhất. Với trẻ trong giai đoạn này, thông thường là buổi sáng mát mát mẻ và trong lành, sau một giấc ngủ hoặc buổi tối.
Nói “không” với cách làm hài lòng bé tức thì
“Ăn vạ” là cách để trẻ khiến bố mẹ phải làm theo ý mình. Và khóc là “đòn tâm lý” của trẻ để “tấn công “ bố mẹ khiến phụ huynh xót ruột cũng như xấu hổ với những người xun g quanh. Nói “không” với con không phải là điều dễ dàng, đặc biệt ở nơi đông người. Nhưng cha mẹ nhất thiết phải cương quyết với trẻ, sau vài lần, bé sẽ hiểu ra vấn đề vì ở tuổi này, bé bắt đầu có nhận thức về nguyên nhân – kết quả.
Cha mẹ nhất thiết phải cương quyết khi trẻ "ăn vạ", sau vài lần, bé sẽ hiểu ra vấn đề vì ở tuổi này, bé bắt đầu có nhận thức về nguyên nhân – kết quả. (Ảnh minh họa)
“Lờ” bé đi
Nếu bạn cần phải mua sắm nốt, hãy cứ tiếp tục làm. Cố gắng tỏ vẻ càng “bơ” bé đi càng tốt. Không đáp trả, không dỗ dành, không càu nhàu những câu kiểu như “Đừng có khóc nữa.”
“Ăn vạ” sẽ trở thành vấn đề lớn nếu bố mẹ làm hài lòng bé quá nhanh hay quá thường xuyên, điều này sẽ hình thành quan niệm của trẻ rằng cứ “ăn vạ” là sẽ được như ý muốn. Hãy cứ hoàn thành nốt những việc bạn cần làm nơi công cộng rồi sau đó đưa bé về nhà rồi cho bé biết, bạn đã thất vọng về bé như thế nào.
Không quan tâm đến “người dưng”
Khi đang ở trong siêu thị với một đứa con gào thét, quấy khóc không ngừng, một đống hàng hóa vừa mua và một đám đông đang tò mò nhìn vào, bạn sẽ làm gì? Sẽ có rất nhiều ông bố bà mẹ có xu hướng chiều con để những người lạ không xì xào về mình nữa. Tuy nhiên, điều này là không nên.
Cần phải nhớ rằng những người kia không biết rõ thực sự về vấn đề của bạn, họ không thể giúp bạn và càng không có quyền phán xét bạn. Vì thế mà cha mẹ nên tập trung vào việc uốn nắn con cái hơn là bận tâm xem người xung quanh nghĩ gì về mình.
Nếu bạn không vội, hãy đưa bé đến một khu vực yên tĩnh của siêu thị và đặt bé ngồi xuống một nơi nào đó. Bạn hãy dùng một thứ gì đó (điện thoại, sách vở, vật dụng khác), miễn là có thể giả vờ tập trung vào đó và phớt lờ bé, không đáp lại bất cứ câu gào khóc nào cho đến khi bé ngừng ăn vạ. Cuối cùng, bé cũng sẽ phải dịu lại và mẹ có thể đưa ra lựa chọn: hoặc là tiếp tục mua đồ rồi về nhà và thưởng thức hay sẽ trả tiền về ngay và bé sẽ phải ở trong phòng một giờ để suy nghĩ về việc làm của mình.