Mẹ Thùy Anh, hiện đang sống cùng gia đình ở Chile chia sẻ: "Mình nghĩ, câu "học đi đôi với hành" rất hay vì việc dạy con kiến thức đi đôi với thực hành, giúp con nhìn thấy, cầm thấy và lại còn ăn được nữa sẽ đem lại hiệu quả cao rất cao, giúp con luôn háo hức khám phá và tò mò học hỏi. Với các con mọi thứ đều là mới lạ, nên lấy việc học chữ cái làm ví dụ, khi bố mẹ dạy con đọc đây là chữ A, B, C... thì các con vẫn chưa có ấn tượng in sâu mà lúc ban đầu chỉ là học vẹt mà thôi".
Một bữa ăn với món cơm "biến hóa" thành hình chữ O mà mẹ Thùy Anh chuẩn bị cho con.
Vốn là một mẹ Việt "đắm đuối" với phương pháp dạy con bằng tình yêu thương, mẹ Thùy Anh đã chia sẻ với các mẹ cực kỳ nhiều ý tưởng về cách trang trí món ăn cho con, giúp các con không chỉ ăn ngon miệng hơn, yêu bữa ăn của mình hơn và còn qua đó học hỏi được thêm nhiều điều.
Chị tâm sự: "Mỗi gia đình có cách dạy con khác nhau, quan điểm của mình thì là "ăn và học", "học đi đôi với hành" nên mình đã nảy ra và thực hiện ý tưởng dạy con chữ cái từ chính những bữa ăn của con. Ví dụ, khi mình nặn cơm hình chữ A thì thức ăn của bữa đó sẽ có món CÀ, mình sẽ chế biến món cà nhồi thịt hoặc canh cà... Khi ăn con sẽ đọc chữ A và đánh vần "Cà, quả cà"... Tương tự những chữ cái khác: chữ B sẽ có bí đỏ, bí xanh, chữ C sẽ có quả cam... Mình thấy đây là cách để các con nhớ mặt chữ cái và biết đánh vần rất hiệu quả vì được "học đi đôi với hành".
Những món cơm chữ cái vô cùng đặc sắc và thú vị dưới đây là một món quà đáng yêu mà mẹ Thùy Anh và Mẹ&Bé dành tặng đặc biệt cho các mẹ có con sắp vào lớp 1. Hi vọng, những bữa ăn sáng tạo này sẽ đem đến cho các bé nhiều cảm hứng học hỏi và khám phá hơn trong năm học mới sắp đến.
Để có được đĩa cơm màu sắc và đẹp mắt, mẹ Thùy Anh chia sẻ cách nặn chữ và cách trộn màu từ những thực phẩm tự nhiên tốt cho sức khỏe của các con như sau:
- Về cách trộn màu cho cơm thêm phần sinh động, các bố mẹ nên dùng các loại rau củ quả có màu như củ dền đỏ, hoa atiso đỏ, nghệ, gấc, bắp cải tím, cà rốt hay các loại rau có màu xanh đậm... Dùng máy ép, ép thực phẩm lấy màu với một số lượng kha khá một chút để có nước đặc, sánh (có thể ém một lần, chia thành nhiều phần bảo quản ngăn đá khi dùng lấy từng phần rất tiện).
Màu cam, đỏ được tạo ra từ nước ép cà rốt và bột gấc tự nhiên. Đây đều là các nguyên liệu tự nhiên rất tốt mà lại dễ tìm ở Việt Nam.
Màu tím được tạo ra từ nước ép bắp cải tím.
Các loại rau lá màu xanh đậm được sử dụng để lấy nước tạo màu xanh rất đẹp cho món cơm.
Theo kinh nghiệm của mẹ Thùy Anh, việc tạo cơm màu sắc cho con thường không quá cầu kỳ vì khi nấu cơm cho cả gia đình, lúc cơm gần chín, chị chỉ đổ màu thực phẩm vào một góc cơm trong nồi, vừa đủ để làm một suất cơm cho con, sau đó đánh tơi lên đợi cơm chín là có thể mang ra để nặn cơm.
Các chữ cái sẽ nặn dễ dàng hơn và đẹp hơn khi bố mẹ nấu cơm dẻo một chút và dùng màng bọc thực phẩm hoặc găng tay nấu ăn nặn để nặn thành những hình thon dài sau đó uốn lại thành những chữ cái như hình dưới đây.