Măng cụt là loại quả nhiệt đới được rất nhiều người mong đợi khi mùa hè đến. Với hương vị thơm ngọt hấp dẫn, nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, măng cụt được mệnh danh là “nữ hoàng trái cây”. Tháng 7 mùa măng cụt chín rộ, các mẹ đừng bỏ lỡ loại hoa quả tuyệt vời này để bổ sung vào thực đơn của bé.
Lợi ích khi cho bé ăn măng cụt
Cho bé ăn măng cụt là một cách rất tốt để củng cố hệ miễn dịch của bé, nhất là trong tiết trời nắng nóng của mùa hè, các bé rất dễ bị ốm. (Ảnh minh họa)
- Tăng cường sức đề kháng
Măng cụt là nguồn chứa vitamin C dồi dào, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, phòng chống lại những bệnh như cảm cúm, bệnh đường hô hấp. Do đó, cho bé ăn măng cụt là một cách rất tốt để củng cố hệ miễn dịch của bé, nhất là trong tiết trời nắng nóng của mùa hè, các bé rất dễ bị ốm.
- Chữa tiêu chảy
Vỏ của quả măng cụt là bài thuốc chữa tiêu chảy cho bé rất hiệu nghiệm. Để chữa bệnh tiêu chảy của con, mẹ lấy khoảng 50g vỏ, cắt từng khoanh cho vào nồi đất đổ vào 2 chén nước, sắc như thuốc, đun nhỏ lửa từ 15 – 30 phút. Để nước ấm, uống mỗi ngày mỗi lần 1 ly nhỏ.
- Giúp ngủ ngon, tinh thần sảng khoái
Măng cụt chứa axit trytophan, chất có liên hệ trực tiếp với serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh có liên hệ mật thiết với giấc ngủ, tâm trạng vui buồn và khẩu vị, tạo tinh thần phấn chấn, chống mệt mỏi.
- Bảo vệ hệ thần kinh
Hàm lượng axit folic trong măng cụt giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh cho trẻ nhỏ, hỗ trợ não bộ phát triển khỏe mạnh.
- Chống viêm, ngăn ngừa ung thư
Măng cụt chứa các hợp chất polysaccharide và xathone, có hoạt tính chống oxy hóa rất cao, chống ung thư và chống viêm. Thành phần Xanthone là chìa khóa giúp chống lại sự di căn của tế bào ung thư tấn công vào vú, máu, gan và các u lymph.
Khi nào bé ăn được măng cụt?
Theo các chuyên gia sức khỏe, măng cụt là loại trái cây rất lành, không gây dị ứng. Vì thế, bé bước vào tuổi ăn dặm (khoảng 6 tháng tuổi) là đã có thể ăn được măng cụt.
Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý loại quả này có chứa hạt nên mẹ cần bóc lấy các múi, loại bỏ hạt và những mảng cứng, dày bé không nuốt được rồi xay nhuyễn cho bé ăn nước. Khi bé lớn hơn, đã có thể nhai, nuốt tốt (khoảng 2 tuổi trở lên), bé có thể ăn măng cụt mà không cần xay nhưng mẹ vẫn phải hết sức cẩn trọng, tránh để bé bị hóc. Những loại quả như vải, nhãn, măng cụt, chôm chôm,... vốn ẩn chứa nguy cơ hóc nghẹn hàng đầu đối với trẻ nhỏ.
Kinh nghiệm chọn mua măng cụt ngon
- Mua đúng mùa: Bất cứ loại hoa quả nào ăn đúng mùa đều ngon. Kinh nghiệm của nhiều người cho thấy, măng cụt thường chỉ ngon vào giữa mùa, tức là tầm giữa tháng 7.
- Độ mềm: Chọn quả măng cụt có vỏ bên ngoài mềm đều, nếu vỏ cứng thì múi chỗ đó thường bị chai.
- Vỏ: Thường thì loại măng cụt vỏ rám nâu ngon hơn loại có màu nâu đỏ.
- Hoa thị: Phía dưới mỗi quả măng cụt đều có một bông hoa nhỏ. Số cánh hoa càng nhiều thì số múi măng cụt cũng càng nhiều. Kích cỡ của cánh hoa cũng tỷ lệ thuận với độ lớn và đều của múi.
- Kích cỡ: Thường thì măng cụt loại to, hạt cũng sẽ to. Nên chọn loại măng cụt cỡ nhỏ hoặc vừa, quả sẽ có nhiều múi đặc ruột và không có hạt.