Đến chiều ngày 22/4, Việt Nam có 6 ngày liên tiếp không ghi nhân ca mắc COVID-19 mới. Trong ngày cũng đã có thêm 6 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương được công bố khỏi bệnh. Như vậy, Việt Nam đã điều trị khỏi cho 222 bệnh nhân COVID-19, chỉ còn 46 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế.
Nới lỏng nhưng vẫn phải đảm bảo phòng dịch
Đánh giá về những tín hiệu tích cực trên, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng: Trong 6 ngày qua, Việt Nam không có ca mắc mới, đã khống chế được các ổ dịch. Tình hình các ca bệnh nhập cảnh hoặc lây lan đều đã được chống chế nhưng tình hình dịch nói chung vẫn còn phức tạp. Trên thế giới vẫn có nhiều người mắc bệnh, người chết vì COVID-19, nguy cơ bệnh xâm nhập Việt Nam là vẫn còn, kể cả các trường hợp qua đường mòn lối mở không quản lý được hết.
PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định, Chính phủ sẽ có nới lỏng với các ngành nghề, quy mô, số lượng, tiếp xúc nhưng vẫn phải đảm bảo phòng dịch. Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải có hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho dễ thực hiện, dễ kiểm tra, thậm chí xây dựng thành bảng điểm, chấm điểm, nếu không đạt thì xử phạt hoặc yêu cầu đóng cửa trở lại. Người dân cả nước, nhất là các địa phương nguy cơ thấp, không nên chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
“Người dân vẫn cần tiếp tục thực hiện các nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Đó là: đeo khẩu trang; tránh giao tiếp quá gần; không tập trung đông người, trong đó đặc biệt lưu ý đối tượng người cao tuổi, người có bệnh lý mãn tính; không ra khỏi nhà khi không thật cần thiết và thực hiện khai báo y tế”- PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Cảnh giác với ký túc xá học sinh, sinh viên; khu nhà ở công nhân
Học sinh ở nhiều tỉnh, thành phố sẽ trở lại trường học sau thời gian dài nghỉ học để phòng, chống dịch. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, phải tạo ra được tâm lý tốt cho các em học sinh, phụ huynh về trường học an toàn.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT kết hợp xây dựng, ban hành quy định cụ thể để thực hiện trường học an toàn một cách cụ thể, chi tiết với từng đối tượng: giáo viên, phụ huynh, học sinh, việc lau chùi, khử khuẩn bàn ghế, ngồi giãn cách cho đến đeo khẩu trang, rửa tay, đo thân nhiệt. Các em học sinh có triệu chứng ho, sốt, đau rát họng... cần được báo với y tế nhà trường và gia đình để nghỉ học.
“Phụ huynh học sinh nên mua cho con em mình một lọ dung dịch rửa tay sát khuẩn để mang theo tới trường dùng. Nhà trường cũng bố trí nơi rửa tay với xà phòng, để dung dịch sát khuẩn, hướng dẫn học sinh thực hiện đúng quy định”- PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Đồng thời đặc biệt lưu ý các trường đại học, trung học có kí túc xá cần phải chú ý việc ăn ở, phòng bệnh cho các em học sinh, sinh viên ở nội trú tập trung. Nếu chỉ chú ý thực hiện trên lớp, trường mà không chú ý tới nơi ăn chốn ở bệnh có thể rất dễ lây lan trong môi trường đó.
Thêm vào đó, các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, công nhân làm việc, sinh sống đông cần phải có quy định cụ thể để đảm bảo các biện pháp an toàn cho người lao động. Nhiều nơi đã làm tốt như đo nhiệt độ, bố trí ngồi cách xa, kể cả ăn cơm, đeo khẩu trang. Khi vực ở của công nhân cũng phải có những quy định cụ thể, quan trọng là phải hướng dẫn, tuyên truyền để công nhân biết cách phòng bệnh.
Tuy nhiên, TS Phu lưu ý tại khu nhà ở của công nhân cũng phải có quy định tối thiểu. Trong đó, quan trọng là phổ biến tuyên truyền để công nhân biết được cách phòng bệnh, quan trọng nhất là đeo khẩu trang, hạn chế sự tiếp xúc giữa các nhà công nhân, nhóm dân cư khác nhau với nhau. Trong một gia đình vẫn phải tiếp xúc gần nhưng gia đình này với gia đình khác, không cần ra ngoài nếu không thực sự cần thiết.
Trường hợp nào có dấu hiệu bệnh thì phải được khám, điều trị, làm sao phòng bệnh tối đa. Phổ biến kiến thức và ý thức của công nhân là vô cùng quan trọng.