Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới nền kinh tế các bon thấp. Vận động sự tự nguyện của các tổ chức, cá nhân tham gia Chiến dịch Giờ Trái đất và các hành động trong suốt thời gian tiếp theo để tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Tuyên truyền, vận động tới các cơ quan, tổ chức, các trường học, doanh nghiệp, các hộ gia đình, các khu dân cư tham gia tổ chức hoạt động hưởng ứng Chiến dịch bằng các hình thức: tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong một giờ (từ 20 giờ 30 - 21 giờ 30) ngày 24/3/2018, tổ chức các nhóm tình nguyện viên đạp xe, chạy bộ để tuyên truyền trong cộng đồng; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu chủ đề tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, hệ thống loa phát thanh, cuộc họp tổ dân phố để tuyên truyền Chiến dịch Giờ trái đất tới các phường, xã, thị trấn, tổ dân phố và cá nhân hộ gia đình.
Tổ chức đêm sự kiện Giờ Trái đất năm 2018, từ 20 giờ 30 - 21 giờ 30 ngày 24/3/2018 tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám: đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông trên toàn địa bàn Thành phố; đặc biệt tại các điểm tiến hành tắt đèn điện và tổ chức sự kiện; đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí.
Các hoạt động bên lề: Tiến hành đồng loạt tắt đèn chiếu sáng, trang trí, biển quảng cáo trong 1 giờ tại các địa điểm nổi tiếng, một số khu vực công cộng, tuyến phố của thành phố Hà Nội, như: đền Ngọc Sơn - Tháp Rùa - Cầu Thê Húc, Vườn hoa Lý Thái Tổ... xung quanh các khu vực Hồ Gươm, Nhà Hát Lớn, Hồ Trúc Bạch; trụ sở: Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố; trụ sở các sở, ban, ngành Thành phố. Các quận, huyện, thị xã sẽ chọn một điểm công cộng trên địa bàn để tắt đèn chiếu sáng (không tiến hành tắt đèn tại các khu vực bệnh viện, nhà máy sản xuất, đèn tín hiệu giao thông, đèn đường đảm bảo giao thông, đèn chiếu sáng phục vụ, bảo vệ an ninh tại các khu vực trọng yếu trên địa bàn Thành phố).