Dù chưa ghi nhận các ca mắc cúm A/H7N9 trên người cũng như trên gia cầm, nhưng theo các chuyên gia, Việt Nam cần tăng cường giám sát trên gia cầm, người bởi nguy cơ dịch bệnh lây lan vào nước ta là rất lớn.
Nguyên nhân gây bệnh cúm A/H7N9
Bệnh cúm A/H7N9 là bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng, do virus cúm A/H7N9 trên gia cầm lây sang người, bệnh tiến triển nhanh và có tỷ lệ tử vong cao. Năm 2013 tại Trung Quốc lần đầu tiên báo cáo có ca nhiễm virus H7N9 ở người.
Virus cúm A/H7N9 thuộc nhóm ARN-virus, họ Orthomyxoviridae, giống Influenzavirus A, có chứa kháng nguyên bề mặt haemaglutinin 7 (H7) và kháng nguyên neuraminidase 9 (N9), có khả năng gây ra bệnh dịch cúm ở các loài lông vũ (avian infl uenza).
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) thì chủng virus A/H7N9 là kết quả của sự tái tổ hợp của genom từ 3 chủng virus cúm đang lưu hành là virus cúm vịt nhà (A/H7N3), virus cúm chim hoang dã (A/H7N9) và virus cúm gà (A/H9N2).
Virus cúm A/H7N9 có khả năng nhân lên trong các cơ quan hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu của loài chim và gia cầm, sinh sản ở đó và có mặt trong chất tiết của các cơ quan trên. Chủng A/H7N9 gây nhiễm cho gia cầm là chính và có khả năng lây nhiễm và gây bệnh cho người.
Tuy nhiên, trên người độc lực lại thể hiện rõ ở 4 mức độ là loại cao (highly virulent/pathogen), loại vừa và nhẹ (moderately and mildly virulent) và loại không có độc lực (avirulent) thường là nhiễm virus không có triệu chứng và không gây tử vong.
Kháng nguyên virus có thể phát hiện bằng phản ứng chuỗi trùng hợp (PR-PCR) từ dịch họng hay dịch đường hô hấp dưới trong khi kháng thể đặc hiệu ở máu có thể sử dụng kỹ thuật sinh hóa (ELISA).
Theo đại diện Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ tử vong do nhiễm cúm A/H7N9 trước đây là gần 50%, nay giảm còn 30% nhưng bệnh trở nặng rất nhanh nên không được chủ quan khi có dấu hiệu nghi ngờ.
Theo phân tích đặc điểm dịch tễ học mới nhất, hơn 90% số ca mắc có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, trong đó có 30 chùm ca bệnh. Virus được phân lập từ người bệnh cùng chùm ca bệnh có kết quả giống nhau với tỷ lệ rất cao. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng về sự lây truyền dễ dàng và bền vững từ người sang người.
Khả năng xâm nhập của dịch bệnh cúm A/H7N9 vào nước ta là rất cao
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tình hình dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc hiện đang diễn biến rất phức tạp, với số ca mắc tăng cao đột biến và tỷ lệ tử vong cao; còn tại tỉnh Svayrieng (Campuchia) – là tỉnh có chung đường biên giới với nước ta trong tháng 1-2017, cũng đã có một số ổ dịch cúm A (H5N1). Vì vậy, khả năng xâm nhập của dịch bệnh vào nước ta là rất cao.
Theo đại diện Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù Việt Nam chưa ghi nhận dịch cúm A/H7N9 trên gia cầm, tuy nhiên từ đầu năm 2017 đến nay, trong nước đã phát hiện nhiều ổ dịch cúm gia cầm. Ổ dịch cúm gia cầm mới nhất được phát hiện trong ngày 20-2 tại xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
Trước đó, trong tháng 2-2017, ngành chức năng đã phát hiện 3 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 ở tỉnh Bạc Liêu và Nghệ An. Cũng trong thời gian này, đã ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
Dịch cúm A (H7N9) đang diễn biến phức tạp vì vậy các ban, ngành, địa phương, toàn thể nhân dân phải vệ sinh môi trường sạch sẽ để phòng chống dịch bệnh bùng phát xảy ra.