Ngày xưa, có anh nông dân nghèo, một lần làm việc tốt, anh được tặng lọ nước thần, rồi nhờ lọ nước vợ anh bỗng trở nên xinh đẹp, anh cũng thu hoạch được cây hành to khổng lồ.
Nhưng vì quá xinh đẹp mà người vợ ấy đã bị bắt vào cung, nhờ sự nhạy bén của mình, anh đã được trở lại với vợ mình và lên ngôi vua. Các bé hãy cùng lắng nghe truyện cổ tích “Ai mua hành tôi” mà Vườn cổ tích sắp kể sau đây nhé.
Ngày xưa, có một anh chàng nọ, rất chăm chỉ cần cù, chịu khó làm ăn, anh còn độc thân và sống bằng nghề cày cấy. Một hôm, khi đang đốn củi trong rừng, anh bỗng thấy từ đâu bay tới một con quạ. Trên miệng con quạ khi ấy đang ngậm một con chim sẻ. Nó đậu trên phiến đá gần nơi anh làm với con chim sẻ đang thoi thóp. Nhìn thấy thế, anh liền động lòng thương con chim tội nghiệp bé bỏng sắp sửa mất mạng, làm mồi cho loài ác điểu.
Anh bèn nhặt hòn đá ném con quạ. Quạ giật mình bỏ mồi vỗ cánh bay lên. Tức mình vì hỏng miếng ăn, quạ kêu om sòm. Anh nhặt đá ném thêm và mắng: – “Đồ chim dữ, hãy cút ngay!”. Quạ hậm hực bay đi, miệng còn đe dọa sẽ báo thù. Anh chàng chạy lại nhặt con chim sẻ đang thoi thóp, cố tìm cách ủ cho nó sống lại. Ngay khi anh giập bã trầu vào vết thương, con chim sẻ đã hồi tỉnh và bay được. Nó cảm ơn anh và bảo anh ngồi chờ, nó sẽ biếu anh một vật.
Một lát sau, con chim đã bay trở lại miệng ngậm một cái lọ bé xíu đặt xuống bên cạnh và nói: – “Đây là là nước thần có phép làm cho người trẻ lại, vật thì lớn thêm, trần gian không ai có”. Nói rồi nó vỗ cánh bay đi. Anh ngồi lại tần ngần mở nút ra xem thì thấy đầy một lọ nước mùi thơm ngạt ngào. Anh nghĩ bụng:
– Chắc hẳn đây là nhưng thứ mà các cô chiêu bà quan hay dùng để làm đỏm, đâu đến lượt người như mình dùng.
Sau đó anh nút lọ lại cẩn thận. Gánh củi về về đến nhà, anh liền trèo lên cao, treo cái lọ ấy vào cái kèo nhà. Và rồi thời gian trôi qua, vì bận công việc làm ăn, anh cũng quên đi, không nghĩ tới cái lọ ấy nữa.
Sau nhiều năm dành dụm tích góp, anh cũng đã có một số vốn nho nhỏ để cưới vợ. Vợ anh cũng là người làm nông, cả ngày quần quật ngoài đồng ruộng, quanh năm chân lấm tay bùn nên ngoại hình đen đúa, xấu xí. Nhưng hai vợ chồng rất thương yêu nhau
Một hôm chồng đi cày vắng nhà, vợ anh ở nhà quét dọn khắp nơi. Thấy một cái lọ nhỏ treo trên kèo nhà, chị bèn bắc ghế lấy xuống mở nút ra xem. Khi ngửi thấy mùi thơm, chị vợ nghĩ đó là dầu thơm gội đầu. Lát sau, chị nấu nước tắm gội rồi tiện tay đổ lọ nước ra xức khắp tóc tai mình mẩy.
Không ngờ sau khi tắm xong, người vợ bỗng trở nên trắng trẻo, xinh đẹp, nhan sắc trở nên mỹ miều. Co nhu vừa được sinh ra lần nữa, ngoại hình khác hẳn so với ngày xưa. Nước thần trôi xuống mấy luống hành bên cạnh giếng, khiến cho những cây hành cũng lớn phổng lên một cách lạ thường: củ to như bình vôi, dọc dài bằng đòn gánh.
Người chồng đi cày về nhìn mặt vợ thì ngẩn cả người cứ tưởng là tiên sa xuống cõi trần, nếu không có tiếng nói thì cơ hồ anh không nhận ra là vợ mình nữa. Nghe vợ nhắc đến lọ nước thơm, anh mới sực nhớ tới chuyện báo đền của con chim sẻ ba năm về trước. Nỗi mừng biết lấy chi cân, anh ngắm và mãi không chán mắt, rồi kể lại câu chuyện cũ cho vợ nghe.
Người vợ trở nên xinh đẹp khiến anh chồng ngày càng yêu thương và say mê. Hàng ngày anh chỉ ở nhà, quấn quýt quanh vợ. Công việc đồng áng vì thế cũng mười phần bê trễ. Thu nhập từ đó cũng giảm đi đáng kể. Dù yêu nhớ vợ lắm nhưng anh vẫn vác cuốc ra đồng đi làm. Để khỏi nhớ, anh thuê thợ vẽ hình vợ. Mỗi khi ra đồng làm việc, anh lại treo bức tranh ở bờ ruộng để nhìn cho thỏa, cho bớt nhớ. Một hôm anh đang cày ruộng, bức tranh được treo lên một cái cọc cắm ở trên bờ. Vừa cày được mươi luống, tự nhiên con quạ năm xưa ở đâu sà xuống quắp lấy bức tranh mang đi.
Anh chàng thấy vậy bèn hò hét đuổi theo nhưng không kịp nữa. Quạ đã cất cánh bay cao và bay đi rất xa, chỉ một loáng đã mất hút. Ôm mối hận năm xưa với anh, quạ mang bức tranh vào đến tận kinh đô, thả xuống ở sân rồng. Bọn lính thị vệ thấy sự lạ lùng, bèn nhặt lên đem trình vua. Cầm lấy bức truyền thần, vua ngắm nghía mãi không chán mắt, bụng bảo dạ:
– Trong ba cung sáu viện của ta đã có nhiều người đẹp, nhưng chưa có người nào đẹp bằng người đàn bà trong bức tranh này. Hẳn là trời sai con quạ đến mách cho ta đây!.
Lập tức vua ra lệnh cho một quan đại thần và một trăm thị vệ phải tìm cho được người đàn bà như đã vẽ trong tranh mang về. Quan đại thần cho người về các địa phương sục sạo khắp hang cùng ngõ hẻm. Để việc tìm tòi có hiệu quả, chúng bày ra trò mở hội ở các vùng chúng đến để cho mọi người đổ về xem. Mỗi lần thấy dân tập hợp đông đúc, chúng đưa bức tranh ra giả tảng nói là tình cờ bắt được, người nào mất thì đến mà nhận.
Một hôm, chúng tới vùng quê hai vợ chồng anh chàng có lọ nước thần và cũng bày trò mở hội ba đêm ngày. Quả nhiên anh chàng sa vào mưu gian. Khi nhìn thấy bức tranh anh không đắn đo gì cả, lật đật bước tới để nhận. Nhưng anh không ngờ bọn lính chộp lấy anh như chộp con mồi. Chúng theo anh về nhà và tìm thấy ngay người đàn bà trong tranh. Mừng quá, chúng vội đưa kiệu rước nàng về kinh đô, mặc kệ cho người chồng van lạy than khóc.
Cuộc sống nhung lụa sung sướng không khiến cho nàng vui vẻ, nàng vẫn ngày đêm thương nhớ người chồng ở nhà. Nàng không cười không nói, áo lụa không mặc, son đỏ không tô, tóc tai nàng cũng không chải. Đem được người đẹp về cung, nhà vua hết sức mừng rỡ, nhưng cũng hết sức buồn phiền vì mọi thứ dỗ dành, dọa nạt đều không thể làm cho nàng nở một nụ cười hoặc nói lên một tiếng.
Vua bèn hạ lệnh rằng trong dân chúng hễ ai có cách gì làm cho nàng cười nói lên được, thì sẽ ban thưởng cho quan cao lộc hậu. Nghe tin này, có nhiều người, từ những vai hề nổi tiếng, những ông trạng cười cho đến các bậc lương y, các pháp sư phù thủy, v.v… đua nhau trẩy kinh hy vọng dùng tài phép lớn cho người đàn bà phải miệng nói cười để mong nhận được ân thưởng. Nhưng dù đã giở đủ mọi trò, đều vô hiệu.
Còn về phàn người chồng, từ khi vợ bị quan quân bắt đi thì không còn thiết làm ăn gì nữa. Khi nghe tin loan báo ai làm cho người đẹp trong cung nói cười được thì sẽ được vua ban thưởng, anh biết là vợ mình đang ở cung vua, bèn quyết vào kinh tìm vợ. Trước khi đi, anh nhổ mấy củ hành ở cạnh giếng buộc làm một gánh quẩy theo. Đến kinh đô anh quảy gánh của mình đi lại trước cửa hoàng cung rao to lên những câu:
Dọc bằng đòn gánh,
Củ bằng bình vôi,
Ai mua hành tôi,
Thì thương tôi với!
Tiếng rao của anh vọng vào cung mỗi lúc mỗi lớn. Người vợ không còn xa lạ với giọng nói này nữa, đối với cô nó quá quen thuộc rồi. Nhưng nay cô nghe lại mà cứ ngỡ xa anh chồng cả năm nay rồi. Nét mặt của vợ anh tự nhiên cũng mỗi lúc mỗi tươi. Cuối cùng, nàng quay lại bảo thị nữ:
– Hãy gọi người hàng hành vào cho ta!
Khi nhìn thấy mặt chồng, vợ anh cười lên một tiếng. Thấy vậy nhà vua mừng lắm, như mở cờ trong bụng, ngài lại thấy những cây hành to lớn lạ thường thì nhà vua lấy làm kinh ngạc quá đỗi. Vua ngỡ là nhờ những cây hành kỳ lạ này mà người đẹp nói cười. Vua liền nảy ra ý nghĩ muốn tự mình cải trang gánh gánh hành để làm vui lòng người đẹp. Vua bảo anh chồng:
– Hãy đặt gánh hành lại đó và cởi áo ra mau!
Vua cởi áo long bào vứt cho anh và mặc áo của anh vào. Vua còn bắt anh bày cho mình học thuộc câu rao, rồi quẩy gánh hành qua lại trước mặt người đàn bà, cất tiếng rao mới học được. Thấy vậy, vợ anh hàng hành cười ngặt nghẽo. Vua thích thú lại càng làm già. Lúc này, thấy vua đang mải mê làm trò, người vợ liền bảo anh chồng lấy bộ long bào mặc vào người. Anh chàng mặc xong, liền sai quân lính bắt người đang giao hành ra ngoài. Từ đó anh làm vua và sống chung thủy với vợ đến trọn đời.
Ý nghĩa câu chuyện Ai mua hành tôi
Qua truyện cổ tích Ai mua hành tôi vừa rồi, các bé có thấy không, trên đời này ai ở hiền sẽ gặp lành. Hơn nữa, các vị vua quan thường cậy quyền cậy thế, ức hiếp, chiếm đoạt của cải của dân lành sẽ bị luật trời trừng phạt, lưới trời lồng lộng, nên mọi điều xấu đều không qua mắt được ông trời. Vậy nên, các bé hãy luôn chăm ngoan, làm việc tốt, dù là nhỏ nhất thì các bé sẽ được đền đáp xứng đáng.