Ngày xửa ngày xưa có một gia đình đông con đến nỗi cha mẹ cũng không nhớ hết nổi tên con mình. Người vợ tên Phang, người chồng tên Đang. Tuy họ đông con nhưng do chăm chỉ phát được nhiều nương và ruộng nên đời sống không đến nỗi khó khăn túng thiếu.
Gặp năm trời hạn mất mùa, bao nhiêu lúa giống của hai vợ chồng để dành cho mùa sau đều bị bọn lang đạo cướp hết. Hai vợ chồng phải vào rừng tìm rêu đá, lá cây về cho các con ăn, nhưng kiếm bao nhiêu cũng không đủ; suốt ngày lũ con cứ gọi bố mẹ. Và kêu:
Một năm, vào vụ mất mùa. Bao nhiêu lúa giống để dành của hai vợ chồng đều bị bọn lang đạo cướp sạch. Hai vợ chồng phải tìm cách vào rừng kiếm lá cây, rêu đá cho lũ trẻ ăn nhưng kiếm bao nhiêu cũng không đủ; suốt ngày lũ trẻ cũng gọi cha mẹ. Và kêu:
– Bố mẹ ơi! Đói lắm
Thương các con nhỏ hai vợ chồng biết rằng rêu đá và lá cây không thể duy trì được cuộc sống lâu dài. Họ đi xin dân làng, kẻ cho một vốc, người cho vài bông lúa. Họ quyết định lên rừng phát rẫy trồng lúa trái mùa.
Ở nhà, do không chịu được cơn đói lũ trẻ kéo nhau ra rừng tìm kiếm cái gì ăn cho đỡ đói, nhưng đến đêm chúng lại về kêu đói suốt cả đêm:
– Bố mẹ ơi! Đói lắm
Ở trong rừng khuya, nghe tiếng các con kêu đói vọng vào cả hai vợ chồng lòng đau xót. Họ thay nhau nói vọng về cho lũ trẻ yên tâm:
– Các con ơi! Bố mẹ đang cấy lúa. Lúa đang nảy mầm.
Đến khi lúa đã ken xanh, họ lại báo về cho các con:
– Các con ơi! Lúa đã lên xanh.
Ngày lúa chín, thì hai vợ chồng cũng đã thấm mệt nhưng nghe đàn con nheo nhóc kêu đói. Họ lại cố gắng nói to lên cho lũ trẻ nghe thấy:
– Các con ơi! Lúa đang chín…
Đến khi mẻ gạo đầu tiên được giã xong thì họ liền đồ ngay một chõ xôi lớn, chi nhỏ ra từng nắm mang ngay về cho các con của mình. Về tới nhà thì lạ thay họ không thấy bóng dáng một đứa nào. Từ rừng sâu họ lại nghe thấy tiếng vọng ra:
– Bố mẹ ơi! Đói lắm
Buồn tủi, họ lại khiêng giá xôi vào trong rừng, nhưng cũng không thấy một đứa con nào cả. Trong khi cả khu rừng vẫn vọng ra tiếng kêu xé lòng:
– Bố mẹ ơi! Đói lắm
Họ đã thấm mệt khi không thể theo tiếng vọng của lũ trẻ mà đi tìm được nữa. Hai người ngồi xuống và cố sức gọi:
– Các con ơi! Ra đây với bố mẹ mà ăn xôi.
Vừa dứt lời, một đàn chim lạ từ các ngả ở khu rừng bay đến đậu đầy cả rừng và hót:
– Bang! Bang! Bang! Bang! Chúng con ăn quả đã quen; còn xôi xin nhường bố mẹ!
Bấy giờ họ mới nhận ra lũ trẻ vì quá đói nên hóa thành chim cả rồi. Già yếu, kiệt quệ, đói khổ, lại vô cùng thương xót đàn con, họ gục đầu vào rá xôi mà chết.
Chứng kiến bố mẹ chết thảm, đàn chim kêu vang cả một khu rừng, rồi chúng dùng những nắm xôi đắp mộ cho cha mẹ.
Sau này, mộ của họ mọc lên một loại cây rất lạ: Trên là cây, dưới là củ. Củ có màu trắng và khi luộc lên ăn thì rất dẻo và thơm như ăn xôi. Đó chính là củ mài. Người ta kể lại rằng vợ chồng họ đã hóa thành củ mài để cứu những người cùng cảnh ngộ như họ. Còn lũ trẻ thì hóa thành chim “đang bang” thường kêu vang cả khu rừng vào mùa lúa chín, để nhắc lại cảnh nghèo khó, khổ cực của cha mẹ chúng ngày xưa. Sự tích củ mài cũng từ đó mà ra.